Nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về công tác chuẩn bị cũng như huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và nhân dân, để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành việc làm thường xuyên, góp phần đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển bền vững cho xã hội.
Xem hình
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bếp ăn một khách sạn trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Minh Quang

P.V: Xin bác sỹ cho biết kết quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh năm qua, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân 2017?

Bs Nguyễn Thị Hường: Trong năm 2016, các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt từ tỉnh đến các huyện, xã; nhất là công tác truyền thông và thanh, kiểm tra. Đã có gần 1 nghìn thông điệp, phóng sự, tin, bài, ảnh, chuyên mục…, được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền lưu động về ATTP; đặc biệt Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã chủ trì tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP với hơn 1.000 người tham gia.

Bên cạnh công tác thông tin truyền thông, công tác thanh kiểm tra cũng được tăng cường, trong đó quan tâm chú trọng kiểm tra hoạt động quản lý ATTP của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp huyện, xã và kiểm tra thực tế việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm: thành lập 366 đoàn thanh, kiểm tra trong tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra được 8.822 lượt cơ sở, phát hiện 1.362 lượt cơ sở vi phạm, phạt tiền 1.236.900.000đ. Năm 2016, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Công an tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Tại tỉnh Ninh Bình không phát hiện có tồn dư chất tạo nạc Salbutamol, Clenbuterol, dư lượng kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm.

Dịp Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm về việc tiêu thụ lương thực, thực phẩm của mọi người, mọi nhà, tiếp theo sau Tết là mùa lễ hội. Đặc biệt Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước về thăm, từ đó nhu cầu ăn uống của du khách là rất lớn, vì vậy ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP đã ban hành kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 4/1/2017 về triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân năm 2017. Các hoạt động bảo đảm ATTP được triển khai mạnh mẽ, theo đúng kế hoạch; đặc biệt công tác thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các lỗi vi phạm của cơ sở, tịch thu, tiêu hủy nhiều loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Đầu năm 2017, tại một số tỉnh, thành phố đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, vì vậy đối với tỉnh Ninh Bình, ngành Công thương và Y tế đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và các cơ sở dịch vụ ăn uống nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn rượu không đảm bảo chất lượng tiêu thụ trên thị trường. Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2017, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được 2.374 cơ sở, phát hiện 328 cơ sở vi phạm, xử lý 169 cơ sở, chuyển hồ sơ xử lý hình sự 2 vụ sản xuất lương thực, thực phẩm giả (mì chính giả).

P.V: Qua kiểm tra cho thấy còn nhiều thách thức đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh. Vậy những giải pháp cụ thể đặt ra để triển khai thực hiện hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bác sỹ?

Bs Nguyễn Thị Hường: Thực tế, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa lớn, chủ yếu là cơ sở quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình; sự hiểu biết cũng như ý thức chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước về đảm bảo ATTP chưa cao; việc kiểm soát nguyên liệu ở khâu sản xuất, nuôi trồng, sơ chế ban đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra ATTP còn mỏng, thiếu các trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ; công tác xét nghiệm tại Labo tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, một số chỉ tiêu xét nghiệm chưa thực hiện được…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức sâu rộng trong cộng đồng, chú trọng đăng tải các bài tuyên truyền về ATTP trên website của các Sở, ngành; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Ninh Bình đưa tin, phóng sự về ATTP, đồng thời công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP, cũng như biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động bảo đảm ATTP.

Đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra về ATTP, đặc biệt thanh, kiểm tra đột xuất; không để thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ lưu thông ngoài thị trường. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm soát ATTP trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông thủy sản; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap và hình thành hệ thống phân phối tiêu dùng thực phẩm an toàn, kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn. Thêm vào đó thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP trên địa bàn, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các tổ chức, hội, đoàn thể trong công tác đảm bảo ATTP.

P.V: Tháng hành động vì ATTP năm nay có chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” xin bác sỹ nói rõ hơn về chủ đề này?

Bs Nguyễn Thị Hường: Hiện nay, các thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam như rau, thịt, thủy sản đang tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP như: nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trên rau, thịt, thủy sản…Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng dẫn đến tử vong, gây hoang mang trong xã hội. Vì vậy, Tháng hành động vì ATTP năm nay với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” nhằm hướng tới mục tiêu: Hạn chế tình trạng sử dụng các hóa chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả. Kiểm soát chặt chẽ ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu,chú trọng tới các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm trong việc đảm bảo ATTP đối với rau, thịt, thủy sản, rượu. Hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn nói chung và do sử dụng rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.

P.V: Xin cảm ơn bác sĩ.