Hiện nay, khi đời sống kinh tế khấm khá lên, nhiều người có nhu cầu và sẵn sàng chi ra một số tiền lớn cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trong đó, các thực phẩm chức năng (TPCN) đang được nhiều người sử dụng mà chưa biết hiệu quả thực hư thế nào...

Những năm gần đây, TPCN là một loại sản phẩm được nhiều người, nhiều gia đình quan tâm, sử dụng. Với nội dung quảng cáo hấp dẫn nên thực phẩm chức năng được nhiều người sử dụng, sẵn sàng bỏ tiền để dùng thường xuyên như một "liệu pháp" chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Chị Thanh Hiền (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Vì có con nhỏ, hay lười ăn nên giải pháp để con ăn uống ngon miệng được tôi lựa chọn chính là thực phẩm chức năng. Qua tìm hiểu và xem quảng cáo, tôi lựa chọn một loại cốm giúp trẻ hay ăn, mau lớn có tên là B. Cho con ăn thực phẩm này độ một tuần đầu cũng thấy cháu hay ăn, nhưng rồi sang tuần thứ 2, thứ 3 tình hình chẳng có tiến triển gì. Xem kỹ hướng dẫn sử dụng cũng không thấy nói gì đến việc thời gian sử dụng cốm trong bao lâu, chỉ thấy ghi trên bao bì công dụng của sản phẩm là “dùng để hỗ trợ điều trị cho trẻ tiêu hóa kém, biếng ăn, bị tiêu chảy....". Đến khi chuyển qua một loại TPCN dạng nước, thậm chí có ghi "không hết biếng ăn hoàn trả lại tiền" nhưng cũng chẳng thay đổi gì. Kể từ đó tôi không dùng TPCN nữa.Còn đối với các chị em, TPCN như một "cứu cánh" cho việc sửa sang sắc đẹp. Chị Mai (phường Đông Thành) vốn là một "tín đồ" của việc làm đẹp. Đối với chị, bất cứ một sản phẩm nào gắn với từ "đẹp" là được chị mua về sử dụng. Đang hăng hái với các buổi tập Yoga để giảm cân, chị thông báo với lớp là nghỉ luôn, không cần tập cho mệt vì từ nay đã có HBL - một sản phẩm đến từ Mỹ có chức năng giảm béo, làm đẹp da. Theo chị Mai kể, bộ sản phẩm này khá đắt tiền, hơn 1 triệu đồng/sản phẩm nhưng công dụng của nó thì miễn chê. Không biết từ khi dùng thực phẩm chức năng HBL, chị Mai đã giảm được bao nhiêu kg trọng lượng, nhưng được khoảng 2-3 tháng sau thấy chị quay trở lại lớp tập Yoga mà không thấy nói gì đến thực phẩm dinh dưỡng HBL nữa...

Được biết, TPCN có tác dụng phòng, chống bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe cho con người. Vì thế, vai trò và vị thế của thực phẩm chức năng ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, hiện nay một số nhà sản xuất đã quảng cáo sai hay thổi phồng chức năng của loại thực phẩm này nhằm “móc” tiền của người tiêu dùng....

Chưa kể, thời gian gần đây, với việc các cơ quan chức năng đã bắt giữ được một số vụ lưu hành TPCN giả, TPCN bị cấm lưu hành... đã gióng lên hồi chuông báo động về việc kinh doanh, sử dụng TPCN.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh được biết: Tại Ninh Bình, khi có thông báo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc cấm lưu hành sản phẩm viên nang phục linh Lishou loại hộp 40 viên không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là sản phẩm theo quảng cáo có chức năng giảm béo nhưng có chứa hoạt chất Sibutramine, có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt gây tác động lên hệ tim mạch, khá nguy hiểm cho sức khỏe của người sử dụng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cùng các trung tâm y tế, phòng y tế tuyến huyện đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh TPCN trên địa bàn tỉnh. Kết quả không phát hiện sản phẩm nào như thông báo của Cục Quản lý Dược. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về TPCN cho chủ cơ sở và nhân viên bán hàng.

Qua công tác kiểm tra đột xuất của ngành chức năng cũng cho thấy việc kinh doanh, bày bán TPCN hiện nay trên địa bàn tỉnh bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận như: các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ, được công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định... vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Đó là, một số cơ sở chưa đăng ký nội dung kinh doanh TPCN trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo quy định để kinh doanh TPCN, chưa có khu bày bán riêng biệt và chưa có biển hiệu ghi rõ, chủ cơ sở và nhân viên bán hàng chưa có kiến thức đúng và đầy đủ về sản phẩm TPCN, chưa phân biệt được thuốc và TPCN, chưa có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về VSATTP...

Thực tế cho thấy, hiện nay TPCN được kinh doanh tại các nhà thuốc trên địa bàn toàn tỉnh, trong khi số lượng các nhà thuốc là rất lớn, số cơ sở được kiểm tra còn ít và việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, thực hiện kiểm tra, giám sát theo đúng quy định, đúng phân cấp quản lý là rất khó khăn, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TPCN còn hạn chế... Trong bối cảnh này, khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm nào, người tiêu dùng nên chọn lựa kỹ càng nguồn gốc sản xuất và nhất thiết phải được sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn bởi thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh, không thay thế được thuốc chữa bệnh.