Là một trong số cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) lớn của tỉnh, mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân đến KCB. 6 tháng đầu năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bội chi hơn 39 tỷ đồng. Mặc dù các nguyên nhân chủ yếu do khách quan, nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang tích cực tìm các giải pháp để giảm việc bội chi, góp phần cùng cả tỉnh giảm tình trạng vượt quỹ quá cao như hiện nay.
Xem hình
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Có mặt tại nơi tiếp đón ban đầu khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận thấy có rất đông người đăng ký KCB bằng thẻ BHYT. Tại các quầy đăng ký làm thủ tục vào viện luôn có hàng chục người bệnh và người nhà chờ đợi đến lượt đăng ký để xuất trình giấy tờ, làm thủ tục khám bệnh cho bản thân hoặc người nhà của mình. Được biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp đón từ 800 đến 1.000 bệnh nhân, những ngày đông có thể lên tới 1.300 - 1.500 lượt người. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lượt bệnh nhân đến khám là hơn 140 nghìn lượt, vượt 112% so với cùng kỳ; số bệnh nhân điều trị nội trú là hơn 22 nghìn lượt, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang phải đối mặt với vấn đề bội chi quỹ KCB BHYT. 6 tháng đầu năm 2017, Bệnh viện đã vượt chi quỹ BHYT hơn 39 tỷ đồng. Hiện Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã từ chối thanh toán hơn 3,6 tỷ đồng. Theo tìm hiểu có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến bệnh viện bội chi quỹ gia tăng cao. Điển hình như việc tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, thực hiện thông tuyến KCB từ ngày 1/1/2016, người dân có quyền đi khám ở những nơi cùng tuyến. Do vậy tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng so với cùng kỳ năm 2016. Một nguyên nhân nữa dẫn đến bội chi ở bệnh viện cao đó là do tỷ lệ người mắc bệnh nặng như ung thư, tim mạch, tai biến tăng, nên chi phí điều trị cao. Như tại Trung tâm Ung bướu, trung bình điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, nhưng số gường bệnh tại khoa chỉ có 60 giường. Để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, bệnh viện phải kê thêm giường ra cả hành lang của Trung tâm.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại khác như hệ thống máy can thiệp mạch, các loại máy siêu âm, chụp CT, hệ thống chụp cộng hưởng từ; đồng thời ứng dụng thành công những kỹ thuật mới, tiên tiến như máy xét nghiệm đo tải lượng virus Cobas AmpiPep, đây là thiết bị hàng đầu thế giới về thương hiệu xét nghiệm với chất lượng chính xác, có khả năng đo tải lượng virus của viêm gan B, viêm gan C, đột biến gen gây xơ gan, gây ung thư. Một nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ KCB BHYT của Bệnh viện cao trong thời gian qua, đó là chi đa tuyến đi lớn hơn 12 tỷ đồng, so với quỹ chiếm 191%, gấp 1,9 lần quỹ được chi. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như do áp dụng kỹ thuật mới, chi phí lớn và một số dịch vụ kỹ thuật đã được triển khai thực hiện. Thêm vào đó, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bệnh viện đã từng bước đổi mới quy trình KCB, rút ngắn xuống còn 6 bước. Đồng thời hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý KCB; cải tiến, đổi mới quy trình KCB; quản lý người bệnh bảo hiểm y tế qua mã vạch…. Với việc đổi mới quy trình KCB, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới theo hướng chuyên sâu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tạo được niềm tin, sự hài lòng của người bệnh, góp phần giảm dần tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến, nhưng cũng từ đó xảy ra tình trạng bội chi quỹ BHYT ngày càng tăng như hiện nay.

Cũng theo bác sĩ Phạm Cao Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Để từng bước giảm tình trạng bội chi và kiểm soát được nguồn Quỹ KCB BHYT, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đến KCB tại đơn vị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đề ra một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả tình trạng bội chi. Đặc biệt, thực hiện Thông báo số 43 của UBND tỉnh ngày 11/9/2017 và Thông báo số 4383 của BHXH Việt Nam: “Trong quý IV giảm chi phí KCB của mỗi cơ sở KCB BHYT xuống 6%, trên tổng số chi phí KCB”. Bệnh viện đã tổ chức họp Ban Giám đốc, họp các trưởng khoa, phòng để phân tích, nghiên cứu thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa những chỉ định thực sự không cần thiết trong quy trình KCB.

Theo đó, Bệnh viện sẽ tăng cường quản lý việc chuyển tuyến. Cân nhắc lưu giữ người bệnh nặng, chi phí lớn, ngày điều trị kéo dài, đặc biệt là những người bệnh BHYT đa tuyến đến. Đồng thời yêu cầu các bác sỹ phải thăm khám kỹ càng, chẩn đoán tiên lượng sát với tình hình bệnh của bệnh nhân, tránh tình trạng phải khám, xét nghiệm, siêu âm nhiều lần. Đặc biệt chỉ giải quyết việc chuyển tuyến đối với các trường hợp người bệnh phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật mà bệnh viện chưa thực hiện được. Đồng thời theo dõi diễn tiến của từng người bệnh để thực hiện chuyển tuyến dưới điều trị đối với người bệnh khá ổn định, sau khi thực hiện phác đồ điều trị tại Bệnh viện. Cùng với đó, Bệnh viện cũng đã đề ra giải pháp giảm số ngày điều trị trung bình bởi khi giảm số ngày điều trị đồng nghĩa với việc giảm các chi phí khác như ngày giường, thuốc, hóa chất, vật tư y tế…, giảm ngày chờ mổ xuống còn 1,5 ngày, giảm số ngày điều trị mổ nội soi xuống còn 3 - 4 ngày, mổ mở là 5 -7 ngày... Bệnh viện cũng yêu cầu các khoa có ngày giường BHYT kéo dài 1,5 - 2 ngày, giảm xuống còn 0,7 -1,5 ngày. Các khoa còn lại giảm 0,5 – 0,7 ngày điều trị trung bình của người bệnh. Đối với Trung tâm ung bướu nơi có nhiều bệnh nhân phải điều trị với chi phí cao, tốn kém, nhằm giảm bội chi quỹ thì Trung tâm cũng đã đề ra những kế hoạch, tăng cường công tác thăm khám, chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân để giảm số ngày điều trị nội trú.

Một giải pháp nữa được bệnh viện đưa ra đó là giảm chi phí thuốc, vật tư y tế, nâng tỷ lệ dùng thuốc ở khu vực nội trú theo đúng lộ trình. Đồng thời chỉ định sử dụng vật tư y tế đúng, đủ, tiết kiệm, phù hợp bệnh lý, lứa tuổi, tránh sử dụng thuốc của hãng, chủng loại không cần thiết, chi phí đắt...; yêu cầu các bác sỹ thực hiện nghiêm túc việc giảm chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, không hợp lý, không liên quan đến chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Cùng với các giải pháp được Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề ra, ngành BHXH cũng sẽ tích cực phối hợp với lãnh đạo Bệnh viện và các khoa, phòng trong việc giảm chi phí KCB BHYT ngay trong quý IV/2017. Theo đó phân công một giám định viên phối hợp với cơ sở KCB tư vấn, hướng dẫn chế độ, chính sách về BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT đi KCB. Kiểm soát bệnh nhân ra vào viện, bệnh nhân chuyển tuyến… Có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa hai ngành để phòng, chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT.