Tay- Chân-Miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng đường ruột gây ra, phổ biến nhất là Coxsackie A và Enterovirus 71. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng nhưng thường gặp ở nhũ nhi và trẻ nhỏ

   Bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, nốt phỏng (bóng nước bị vỡ), phân của trẻ. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc giữa trẻ em với nhau hoặc tiếp xúc với đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà... bị nhiễm vi rút; qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm vi rút.

   Những biểu hiện chính của bệnh TCM

   Bệnh TCM thường tiến triển qua các giai đoạn:

   Giai đoạn ủ bệnh: Từ 3-7 ngày, thường không có triệu chứng gì.

   Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày, với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

   Giai đoạn toàn phát:

        - Thường kéo dài 3-10 ngày, với các triệu chứng như loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước, đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi). Trẻ nhỏ có thể bỏ bú, trẻ lớn biếng ăn, tăng tiết nước bọt, kêu đau miệng.

  - Phát ban dạng bỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chần, gối, mông.

   + Không có bội nhiễm thì thường tồn tại trong thời gian ngắn (<7 ngày), sau đó để lại vết thâm, sốt nhẹ.

          + Có bội nhiễm: ít gặp, nhưng nếu có thì bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, có thể chảy mủ, sưng đỏ vùng ban.

   Giai đoạn nặng hơn bệnh nhân sẽ có biểu hiện của các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp...

          Nên làm gì khi trẻ bị nhiễm bệnh?

          - Cha mẹ không được tự ý dùng các loại thuốc kháng sinh mà phải đưa trẻ đi khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Có thể điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại cơ sở y tế nhưng cần cách ly trẻ bệnh tại nhà trong tuần đầu tiên khởi phát. Trong thời gian này cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng. Đối với trẻ còn bú thì tiếp tục cho trẻ bú mẹ.

  - Hạ sốt khi trẻ sốt cao bằng paracetamol (liều 10-15mg/kg, cách nhau ít nhất 4 giờ), kèm theo chườm mát và cho trẻ uống thêmOresol.

  - Vệ sinh răng miệng, tránh làm vỡ các bọng nước.

  - Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích.

        - Trong 7-10 ngày đầu của bệnh, tái khám cho trẻ 1-2 ngày/lần. Trẻ có sốt, tái khám mỗi ngày cho đến khi trẻ hết sốt 48 giờ.

  - Trong thời gian chăm sóc trẻ ở nhà, nếu có những dấu hiệu sau cần tái khám ngay:

   + Sốt cao >39°c.

   + Thở nhanh, khó thở.

   + Trẻ quấy khóc, bỏ bú, khó ngủ, nôn nhiều, giật mình, li bì, khó đánh thức...

   + Run chi, đi loạng choạng.

   + Co giật, hôn mê.

          Cách phòng bệnh

   Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vẫn là phương pháp có hiệu quả tốt để hạn chế lây lan và bùng phát dịch. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

          1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

          2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

          3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộgia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

          4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

          5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

          6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điếu trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

 

Tác giả: TT-GDSK