Tăng huyết áp (THA) khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi. THA thai kỳ cần phải điều trị cho dù cơ chế sinh bệnh là gì. Tuy nhiên, thuốc chống tăng huyết áp lại là những nhóm thuốc có nhiều chống chỉ định và tác dụng có hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi.

Thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril, benazepril, lisinopril, perindopril...): Có khuyến cáo chống chỉ định cho thai phụ. Tác dụng có hại: dị tật bẩm sinh thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Rối loạn chức năng thận bào thai, thiểu ối và giảm sản xương sọ trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Thuốc ức chế angiotensin II tại receptor: Có khuyến cáo chống chỉ định cho thai phụ. Tác dụng có hại: dị tật bẩm sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Rối loạn chức năng thận bào thai và thiểu ối trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Thuốc lợi tiểu: Tránh dùng khi mang thai. Tác dụng có hại: rối loạn chất điện giải ở thai nhi, giảm thể tích máu ở mẹ.

Thuốc ức chế thụ thể beta: Tránh dùng trước khi có ý định thụ thai và trong suốt thời kỳ mang thai, trừ labetalol và oxprenolol có thể dùng được. Tác dụng có hại: chậm nhịp tim thai nhi. Sử dụng atenolol lâu dài có liên quan với thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Thuốc ức chế kênh canxi (trừ nifedipine): Tránh dùng. Tác dụng có hại hạ huyết áp ở mẹ và tình trạng thiếu ôxy ở thai nhi.

Lưu ý: Thai kỳ kèm theo rối loạn THA phải được theo dõi sát do gia tăng nguy cơ các biến chứng thai kỳ. Thông thường, huyết áp sẽ trở về bình thường trong vòng 3 tháng sau sinh và người bệnh có thể ngưng dùng các thuốc chống THA. Nếu tình trạng THA còn tồn tại trong vòng 3 tháng, nên nghĩ đến một chẩn đoán khác - chẳng hạn như THA mạn tính (vô căn hay thứ phát). Cần tăng cường theo dõi do nguy cơ bị tái phát ở lần mang thai tới.

 

SKĐS