Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Muối cũng là gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều muối lại gây nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ… Như vậy, giảm ăn muối là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe.

Xem hình
 

 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu không quá 5 gam muối một ngày tương đương với 01 thìa cafe muối. Tuy nhiên, hiện nay trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,5 gam muối/một ngày. Số lượng muối này cao gần gấp hai lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đáng chú ý, nguồn muối sử dụng ở Việt Nam cũng khác với các nước phát triển. Ở các nước phát triển, muối chủ yếu đến từ các thực phẩm chế biến sẵn, còn ở Việt Nam lại chỉ có 20% lượng muối ăn là từ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhà hàng, còn lại là muối được sử dụng trong bữa ăn gia đình.

Ăn nhiều muối làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Ở nước ta hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu là do tai biến mạch máu não. Để dự phòng được các bệnh không lây nhiễm các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên ăn mặn. Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng đã đề ra mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối của mỗi người vào năm 2025. Chính vì vậy, để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khoẻ cộng đồng mọi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày. Giảm muối ăn vào để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác .

Việc giảm muối trong chế độ ăn phụ thuộc rất nhiều vào các thực hành nấu nướng của người nội trợ, ngoài ra còn là thói quen lựa chọn thực phẩm và thói quen ăn uống, cũng như khẩu vị của mỗi thành viên trong gia đình. Để giảm ăn muối cần thay đổi thói quen ăn ít muối, chấm nhẹ tay. Đồng thời, cần giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.

Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:

- Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn.

- Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày.

- Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…

- Lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.

- Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.

- Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ việc thêm các gia vị mặn.

 

 

Tác giả: Kim Thoa