Theo quy luật, những dịch bệnh như sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị… thường xảy ra vào mùa đông - xuân, do thời tiết thời điểm này là môi trường thuận lợi cho vi rút gây dịch bệnh phát triển. Tuy nhiên, mùa hè năm nay, các dịch bệnh mùa đông - xuân vẫn tiếp tục gia tăng.
Xem hình
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, dịch bệnh tấn công

Ho gà là bệnh đã được khống chế tại nước ta, song gần đây, bệnh này đã xuất hiện trở lại với sự thay đổi một cách bất thường. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 200-250 trường hợp mắc ho gà và hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 14 trường hợp mắc ho gà. Vi khuẩn ho gà rất nguy hiểm, khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, mỗi tháng phải có 8% trẻ được tiêm vắc xin “5 trong 1”, thì sau một năm mới đạt độ bao phủ cần thiết là 95%. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, khi vắc xin ComBE Five được đưa vào thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, số trẻ được tiêm chủng vắc xin này mới đạt 4-7%/tháng (tùy từng địa phương). Nếu tiến độ tiêm như hiện nay, thì tỷ lệ tiêm vắc xin trong cả năm 2019 chỉ đạt 80% và như vậy, một số dịch bệnh như: Ho gà, bạch hầu… có nguy cơ gia tăng. Vì vậy tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh và khống chế bệnh ho gà. Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin “5 trong 1” được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ (hay viêm phổi do vi khuẩn HiB) và viêm gan B; trong đó, quan trọng nhất là phòng bệnh ho gà.

Phòng dịch chủ động bằng tiêm vắc xin

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm vẫn có 3-5 trẻ bị sởi nhập viện/ngày. Còn ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc sởi. Chị Phạm Thị H. (25 tuổi, quê ở Ninh Bình) có thai 5 tháng, bị mắc sởi, đã nhập viện điều trị được gần một tuần, chia sẻ: “Do chủ quan nghĩ rằng, bệnh sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em, nên trước khi có thai, tôi đã không tiêm phòng. Cách đây hơn một tuần, tôi bị sốt nhẹ, sau đó phát ban và được phát hiện mắc bệnh sởi”.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, thông thường, dịch bệnh sởi bùng phát mạnh vào mùa đông - xuân, sang hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là ở người lớn (từ 25 đến 35 tuổi) và phụ nữ có thai mắc sởi cao hơn hẳn so với mọi năm. Những đối tượng này hầu hết không tiêm phòng hoặc không nhớ tiền sử tiêm phòng. Thậm chí, thời điểm này, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu, quai bị - dù đây là những bệnh đặc trưng của mùa đông - xuân.

“Thời tiết thay đổi bất thường, vi rút, vi khuẩn - tác nhân gây bệnh dễ thích nghi, biến đổi, do đó, hiện nay, dịch bệnh có xu hướng xảy ra quanh năm, chứ không vào mùa nhất định”, bác sĩ Đỗ Duy Cường lý giải.

 

Để bảo đảm trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh nguy hiểm, dự kiến trong năm 2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành Giáo dục triển khai thí điểm quy định: Khi trẻ nhập học mẫu giáo phải có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Trước mắt, quy định này dự kiến được thí điểm tại Hà Nội vào cuối năm 2019. Ngoài ra, ngành Y tế còn tổ chức tiêm bổ sung cho những trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ.

WHO cho biết, trong những tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300% do tỷ lệ tiêm chủng giảm. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu toàn ngành triển khai hiệu quả phòng dịch chủ động bằng tiêm vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin nhắc lại ở các vùng nguy cơ cao. Đặc biệt, chú trọng đến vấn đề an toàn tiêm chủng, trong đó cần quan tâm khám sàng lọc trước tiêm để giảm các phản ứng sau tiêm và các chống chỉ định.

Tác giả: Thu Trang