Chế độ ăn của người bệnh phải được chọn để cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trọng nhất là phải bảo đảm tính điều độ và hợp lý về giờ giấc, tức là chia số thực phẩm được sử dụng trong ngày ra các bữa ăn chính và phụ một cách hợp lý.

Những nguyên tắc cơ bản:

  1. Tất cả bệnh nhâ đái tháo đường, dù là đái tháo đường typ 2 hay typ 1 đều phải tuân thủ chế độ ăn giảm chất bột đường, ăn đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin và sử dụng muối khoáng, nước với khối lượng hợp lý.
  2. Chế độ ăn hiệu quả không làm tăng đường máu nhiều sau bữa ăn; không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn; duy trì được hoạt động thể lực hàng ngày; duy trì được cân nặng ở mức cân nặng lý tưởng, không quá mập, không quá gầy; không làm tăng các yếu tố nguy cơ và biễn chứng như rối loạn chất mỡ trong máu, tăng huyết áp, suy thận.
  3. Chế độ ăn hợp lý là cách ăn uống phù hợp với tập quán của địa phương, dân tộc; đơn giản và không quá đắt tiền; không thay đổi quá nhanh và nhiều về cơ cấu cũng như về khối lượng của các bữa ăn.     

 Đặc điểm của các thức ăn liên quan đến bệnh đái tháo đường là:

  • Thức ăn có chất bột đường làm đường huyết tăng nhiều sau khi ăn.
  • Thức ăn có nhiều mỡ dễ gây xơ vữa động mạch ở người đái tháo đường.
  • Do vậy cần hạn chế chất bột đường để tránh đường huyết tăng sau khi ăn, hạn chế mỡ nhất là các acid béo bão hòa để ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch và các biến chứng ở tim.

Người ta lưu ý rằng khoảng 10% bệnh nhân đái tháo đường loại 2 có đường huyết ổn định lâu dài hay tạm thời bằng chế độ ăn giảm bột đường mà không cần dùng thuốc.

 Một chế độ ăn hợp lý nhằm duy trì tình trạng dinh dưỡng thích hợp để đảm bảo sức khỏe tốt, sự phát triển tốt và duy trì tổ chức cơ bắp của cơ thể; Duy trì cân bằng chuyển hóa, tránh các triệu chứng tăng đường máu và đường trong nước tiểu. Ngoài ra nó còn ngăn ngừa các biến chứng nữa.

 Trong đái tháo đường không có một công thức tính chế độ ăn chung cho tất cả bệnh nhân vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

+ Người béo hay gầy.

+ Lao động thể lực hoặc không.

+ Có biến chứng hay không.

+ Kinh tế của từng bệnh nhân ra sao.

Cách phân chia bữa ăn trong ngày ở bênh nhân đái tháo đường:

Giờ ăn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày (theo tỷ lệ 1-1-3-1-3-1 là tốt nhất), nghĩa là:

Bữa sáng 10%

Bữa phụ buổi sáng 10%

Bữa trưa 30%

Bữa phụ buổi chiều 10%

Bữa tối 30%

Bữa phụ vào buổi tối 10%

Chế độ ăn của người bệnh phải được chọn để cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trọng nhất là phải bảo đảm tính điều độ và hợp lý về giờ giấc, tức là chia số thực phẩm được sử dụng trong ngày ra các bữa ăn chính và phụ một cách hợp lý.

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK