Bộ não người Việt Nam trưởng thành hình cầu, trọng lượng khoảng một kilogam, được bảo vệ trong hộp xương sọ cứng và nối liền với tuỷ sống nằm trong lòng cột sống.
Xem hình
Tai biến mạch máu não là một loại bệnh mà tổn thương do mạch máu não gây nên.

Giữa tổ chức não và xương sọ có lớp nước bao bọc lưu thông xuống ống tuỷ sống (nước não tuỷ). Tổ chức não thành phần chính là các tế bào (Neuron thần kinh) và các sợi dây dẫn truyền thần kinh. Não được chia thành hai nửa bán cầu phải và trái khá đối xứng và có chức năng là trung tâm chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ thể (thần kinh trung ương). Các trung tâm điều hành hoạt động của cơ thể nằm bên bán cầu đối diện. Ví dụ trung tâm điều hành tay phải nằm bên bán cầu não trái. Người thuận tay phải thì trung tâm điều hành tiếng nói nằm bên bán cầu trái. Hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não là hệ mạch Cảnh ở hai bên cổ và hệ mạch Sống - Nền nằm dọc hai bên cột sống. Có khoảng 14 tỷ tế bào não, các tế bào này đặc biệt hơn các tế bào cơ thể khác là không sinh thêm và nếu thiếu o xy từ 4-5 phút là bị chết. Tế bào não ở trung tâm điều khiển nào bị chết hoặc mất đi thì sẽ dẫn đến di chứng cho cơ quan đó. Di chứng để lại từ nhẹ đến nặng là có rối loạn ý thức, hay quên, đau đầu, mất tập trung, đi lại yếu nửa người, không đi lại được, thất ngôn, co giật động kinh, nằm liệt giường, đại tiểu tiện không tự chủ, sống thực vật (chỉ có ăn, uống, thở, tim đập, không nói, không có tri giác).

Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một loại bệnh mà tổn thương do mạch máu não gây nên. Có hai loại tổn thương mạch máu não (MMN) chính đó là vỡ MMN gây xuất huyết não và tắc MMN do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa bám ở thành MMN gây nên (gọi là nhũn não). Cả hai trường hợp trên đều dẫn đến tế bào não bị thiếu cung cấp máu, thiếu o xy gây phù não chèn ép các trung tâm quan trọng điều hành hoạt động của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, vận động, nghe, nói, nhìn ...

Những người có nguy cơ TBMMN là người mắc các bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, mỡ máu cao, nghiện thuốc, nghiện rượu, bệnh lý tim gây loạn nhịp, dị dạng mạch máu não, người béo phì, người trên 50 tuổi...

Biểu hiện của TBMMN rất đa dạng tuỳ vào mức độ tổn thương. Nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, méo miệng, khó nói, ăn cơm hay rơi đũa, văng cơm. rối loạn ý thức, rối loạn cảm giác, tê bì kiến bò, yếu tay chân. Nếu nặng có thể ngã đột ngột, hôn mê, liệt nửa người, đại tiểu tiện không tự chủ, có trường hợp tử vong ngay.

Hiện nay do sự tiến bộ của y khoa nên đã cải thiện đáng kể kết quả điều trị TBMMN. Nguyên tắc điều trị là đảm bảo việc cung cấp ô xy và chất dinh dưỡng càng sớm càng tốt song song với việc chống phù não và bảo vệ các vùng não khác. Đối với xuất huyết não khu trú gọn, không quá sâu trong não có thể phẫu thuật lấy khối máu tụ, mở cửa sổ hộp sọ để giảm áp lực. Đối với tắc MMN có thể dùng thuốc tiêu cục máu đông gây tắc hoặc dùng dụng cụ luồn vào lòng mạch trong não đến chỗ tắc lấy cục máu hoặc mảng xơ vữa đang bám vào thành mạch. Nếu là hẹp mạch do dị dạng bẩm sinh có thể đặt vào chỗ hẹp một giá đỡ kim loại (stent) làm rộng lòng mạch. Thời điểm can thiệp cho cả xuất huyết và nhũn não cần bắt đầu càng sớm càng tốt. Khi phát hiện các triệu chứng của TBMMN nên để người bệnh tư thế nằm, đầu hơi cao khoảng 300, giữ ấm, thoáng khí, nếu hôn mê cho nghiêng mặt tránh sặc chất nôn vào đường thở. Tạm thời không cho ăn uống tránh sặc. Đưa người bệnh đến cơ sở y tế theo tư thế nằm, không được nâng dậy hoặc thay đổi tư thế đột ngột.

Nhìn chung, TBMMN kể cả khi được phát hiện và can thiệp tích cực sớm thì cũng chỉ có khoảng 30% ca bệnh qua khỏi mà không để lại di chứng. Như vậy cách tốt nhất để giảm thiểu tử vong và các di chứng của TBMMN là phải điều trị dự phòng để không xảy ra TBMMN. Đó là điều trị đúng phác đồ và giữ ổn định các bệnh có nguy cơ dẫn đến TBMMN như điều trị tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng mỡ máu; chống xơ vữa mạch; không hút thuốc lá, thuốc lào; không lạm dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác; có chế độ ăn hợp lý giảm mỡ, giảm đường, giảm muối, tăng rau xanh và hoa quả tươi; luyện tập thể dục đều đặn hằng ngày như đi bộ, khí công dưỡng sinh, Yoga ... Một số bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu song song với chế độ ăn hợp lý và luyện tập phải điều trị thuốc hằng ngày, uống đúng giờ và dùng thuốc suốt đời. Khám sức khoẻ định kỳ 3 tháng một lần đối với người có các yếu tố nguy cơ trên; không nên dùng các thuốc Đông - Tây y mà không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế cho phép lưu hành.

Như vậy ta có thể phòng tránh được TBMMN. Điều trị dự phòng đối với các bệnh gây nguy cơ TBMMN là cách phòng tránh chủ yếu và hiệu quả nhất ./.

Bs. Vũ Văn Cẩn - Phó giám đốc  Sở Y tế Ninh Bình