Sốt cao, uống thuốc hạ sốt không hạ, ho nhiều, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, có dấu hiệu mất nước rõ, có một số trẻ xuất hiện cơn giật trong cơn sốt cao… rất nguy hiểm. Đó là tình trạng các trẻ đến khám, điều trị tăng cao so với thời kỳ trước tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua.  

Tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, hơn 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 200 đến 250 trẻ đến thăm khám các vấn đề về sốt, viêm đường hô hấp và tiêu hóa, tăng cao so với trước đó gấp 3 lần. Theo các bác sĩ tại đây cho biết: những triệu chứng trên là dấu hiệu của trẻ mắc bệnh cúm như: cúm A, cúm B và cúm virus hợp bào hô hấp (RSV). Nhiều trẻ bị mắc bệnh kèm theo là yếu tố làm bệnh nặng lên dẫn đến trẻ phải nhập viện: Viêm phổi do vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, trẻ có tiền sử sốt cao co giật. Trẻ mắc bệnh ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, thậm chí có cả ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân trẻ nhỏ bị cúm tăng đột biến, theo các bác sĩ, khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các virus lây truyền qua đường hô hấp phát triển nhanh, trẻ em dưới 5 tuổi miễn dịch kém; cách chăm sóc trẻ em của gia đình chưa phù hợp như vệ sinh chưa tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn đến trẻ bị nhiễm vi khuẩn. Công tác tiêm phòng cho trẻ về tiêu chảy, đường hô hấp chưa được cao.

Để phòng ngừa các bệnh cúm, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cúm trẻ cần được đưa đến cơ quan y tế đủ tin cậy để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh trường hợp để bệnh quá nặng mới đến bệnh viện hoặc trường hợp tự mua thuốc kháng sinh điều trị khi chưa có bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và không đúng phác đồ điều trị./.

Thu Trang