Thực hiện Công văn số 927/DP-DT ngày 10/8/2023 của Cục Y tế dự phòng và Công văn số 601/UBND-VP6 ngày 11/8/2023 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch sốt xuất huyết, ngày 15/8/2023 Sở Y tế có Công văn số 1734/SYT-NVY đề nghị các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm y tế các huyện, thành phố: Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tham mưu chính quyền địa phương triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy  phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Củng cố hệ thống cán bộ làm công tác giám sát các tuyến, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế. Thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm  theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì phối hợp Đài Phát thanh truyền hình, Báo Ninh Bình triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Các cơ sở khám, chữa bệnh: Tăng cường  giám  sát, phát  hiện sớm các trường  hợp nghi mắc sốt xuất huyết, khai thác kỹ tiền sử dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời; thông báo và phối hợp chặt chẽ với các  đơn vị y tế dự phòng cùng cấp nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở  khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh  nhân  không  được  tư  vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.  Giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị tuyến cuối trong tỉnh tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng và hỗ  trợ  về  chuyên môn kỹ  thuật cho đơn vị  tuyến dưới tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Chuẩn bị đầy đủ về  nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, máu và vật tư y tế để điều trị bệnh nhân. Thực  hiện  nghiêm túc việc  thông  tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theoThông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt công tác vệ  sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi tại cơ sở khám, chữa bệnh, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà.

Diệu Thúy