Họ là những người vợ, người mẹ, ngoài công việc, họ còn có trách nhiệm và những thiên chức của người phụ nữ mà không ai có thể làm tốt hơn được. Trong đó có việc gần gũi, chăm sóc cho những đứa con, nhất là khi những đứa trẻ đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", luôn cần sự quan tâm, động viên của người mẹ. Nhưng do dịch bệnh phức tạp, họ đã xung phong vào tuyến đầu, để lại gia đình ở phía sau, xông pha vào nơi nguy hiểm, với mong muốn được góp sức mình trong cuộc chiến với dịch COVID-19.

Những nữ chiến sĩ áo trắng

Mẹ bác sĩ Trang kèm cháu vào học lớp 1.

 

Đã gần 2 tháng tình nguyện tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phòng khám ĐKKV Cồn Thoi đồng nghĩa với việc cách ly hoàn toàn với gia đình, người thân, bác sỹ Nguyễn Thị Trang, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn cùng đội ngũ nhân viên y tế tại cơ sở điều trị này, đã chăm sóc và điều trị cho hàng chục bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, được trở về với gia đình. Còn với các nhân viên y tế ở đây, họ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, thực hiện cách ly, theo dõi và điều trị cho 12 ca bệnh nữa và có thể sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. 

Trước đó, bác sĩ Trang đã xung phong tình nguyện đăng ký và có tên trong danh sách Đoàn công tác số 3 của tỉnh tăng cường chống dịch tại thành phố Hò Chí Minh. Tuy nhiên, khi đã được tập huấn, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đầy đủ và chỉ còn một vài ngày nữa là lên đường, tại huyện Kim Sơn, diễn biến dịch bệnh có những phức tạp mới. Ngoài xuất hiện 1 ca bệnh trong cộng đồng, còn nhiều ca bệnh là công dân của huyện trở về từ thành phố Hồ Chí Minh lây nhiễm dịch bệnh. Bác sĩ Trang được yêu cầu ở lại nhận nhiệm vụ tại Phòng khám ĐKKV Cồn Thoi.

"Nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 thì ở đâu cũng vậy, đều là những công việc nguy hiểm, xa gia đình, cách ly với xã hội, chỉ khác nhau về khoảng cách địa lý mà thôi. Vào thời điểm Phòng khám có nhiều ca bệnh nhất (gần 40 bệnh nhân), tại đây duy trì gần 20 cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang túc trực làm nhiệm vụ, hay đến khi, các ca bệnh được chữa khỏi và xuất viện về nhà, chỉ còn gần chục người làm nhiệm vụ, thì tôi vẫn xung phong làm việc tại đây. Bởi đó là quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên, từng bước trưởng thành, nên tôi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình ngay tại quê hương tôi..."- bác sĩ Trang khẳng định.

Vậy là bác sĩ Trang nhận nhiệm vụ khi con gái bắt đầu bước vào học lớp 1. Chồng công tác xa tại Hải Phòng, từ đầu năm đến nay cũng chưa thể về thăm nhà. Quê chồng lại ở tận huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ông bà cao tuổi và việc đi lại thời dịch bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Không có người chăm sóc, đưa đón con đi học, bác sĩ Trang chuyển con đang học tại trường mầm non tại thị trấn Phát Diệm về xã Cồn Thoi để học lớp 1. Mọi việc nuôi nấng, dạy dỗ, đưa đón con, chị nhờ cả vào ông, bà ngoại.

Bà Phạm Thị Dung, xóm 7B, xã Cồn Thoi, mẹ bác sĩ Nguyễn Thị Trang chia sẻ: Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, tôi nghĩ mỗi người cần phải hi sinh niềm vui, hạnh phúc riêng, góp công sức, tiền của cho công tác phòng chống dịch. Nhà có hơn 2 ha đầm nuôi các loại thủy sản. Công việc nhà nông bận rộn, người làm không có, chỉ có 2 vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, lại còn chăm sóc mẹ chồng năm nay cũng gần 90 tuổi. Vợ chồng chúng tôi bảo nhau phải cố gắng, hỗ trợ nhau chăm người già và trẻ nhỏ, mong dịch bệnh qua đi để mỗi gia đình được đoàn tụ, sum vầy. 

"Nói thật là cũng mệt chứ. Những nét chữ đầu đời của cháu, cần lắm sự nắn nót, cầm tay chỉ bảo thêm của người mẹ. Còn khi ở với  ông bà ngoại đã có tuổi như chúng tôi, sự dạy dỗ, bảo ban việc học có mức độ, phần lớn cháu phải tự lập. Chúng tôi chỉ biết động viên, chăm cho chu đáo cho bữa ăn, giấc ngủ để cháu đỡ thiệt thòi khi phải xa cả bố và mẹ. Hơn nữa, nhà tôi cũng gần Phòng khám ĐKKV Cồn Thoi, nơi con gái đang làm nhiệm vụ. Nên hàng ngày hoặc vài ngày 1 lần, tôi lại chu cấp thêm thực phẩm, từ tôm, cua, cá đến các loại rau xanh cho con và các y bác sĩ trong đó, với mong muốn ai cũng có đủ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao..." - bà Dung vui vẻ chia sẻ. 

Đối với điều dưỡng Lê Thị Thìn, Bệnh viện Y học cổ truyền, việc chị xung phong vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch nhận được sự đồng thuận và động viên lớn từ bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ và cả người chồng, nên chị nhận nhiệm vụ với một tâm thế rất thoải mái và yên tâm. 

Điều đáng ghi nhận và trân trọng đối với gia đình chị Thìn, là cả 3 anh em ruột trong gia đình chị đều xung phong làm nhiệm vụ chống dịch tại các tỉnh phía Nam. Gồm người anh trai là bộ đội Biên phòng, chị và người em trai là nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô. Tất cả họ đều là lực lượng tuyến đầu chuyên tâm nhiệm vụ chống dịch, mọi việc còn lại trong gia đình họ đều nhờ cả vào người thân.

Trong câu chuyện hỏi thăm về mẹ khi ở cùng ông bà nội tại thôn Phú Long, xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh), cậu bé Phạm Tiến Thành, con trai chị Thìn năm nay học lớp 2 liên tục rơi nước mắt không nói nên lời. Kể cả khi mẹ gọi điện thoại zalo về hỏi thăm, cậu càng được dịp tủi thân, khóc nức nở mãi không thôi. Bà nội bảo, cậu bé vốn quấn mẹ, tối nào mẹ con cũng cùng học, cùng chơi, nói đủ thứ chuyện, nên giờ xa mẹ, cậu bé hay xúc động, đêm đêm vẫn nhớ mẹ nên ít ngủ, không được vui như khi mẹ ở nhà...

Những nữ chiến sĩ áo trắng để gia đình lại phía sau

Cháu Phạm Tiến Thành, con trai chị Thìn xúc động khi nói chuyện với mẹ qua màn hình điện thoại.

 

Bà Đinh Thị Chiến, mẹ chồng điều dưỡng Lê Thị Thìn chia sẻ, hàng ngày, chị đi làm tại Bệnh viện Y học cổ truyền từ sáng sớm, chiều về. Các công việc trong gia đình, từ chăm sóc, dạy dỗ con, phụ giúp việc nhà cùng bố mẹ chồng đều được chị lo chu toàn, đầy đủ, rất có hiếu. Khi chị Thìn bày tỏ mong muốn với gia đình được tăng cường làm nhiệm vụ chống dịch tại các tỉnh phía Nam, chị nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của người thân. Đó là niềm vui, sự an ủi và động viên đối với những người là phụ nữ công tác trong ngành Y tế, nhất là khi đại dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người dân.

Điện thoại về từ bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, điều dưỡng Lê Thị Thìn chia sẻ: Vào những buổi tối, khi không có ca trực, là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với chị và gia đình. Bởi lúc đó, dù chỉ là qua điện thoại, nhưng là khoảnh khắc ít ỏi trong ngày, gia đình được đoàn tụ, kể cho nhau nghe những việc đã làm, bữa ăn có món gì... Có những hôm, nhìn bữa ăn gia đình sum họp, có đầy đủ mọi người, nhưng thiếu vắng mình - người con, người vợ, người mẹ trong gia đình, tôi cảm thấy buồn... Nhưng rất may, tôi có chỗ dựa vững chắc là gia đình và người thân phía sau, để tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

 Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, điều dưỡng Lê Thị Thìn, chỉ là hai trong số nhiều nữ y bác sĩ ngành Y tế Ninh Bình nói riêng, ngành Y tế cả nước nói chung, đã tình nguyện chọn việc khó, việc nguy hiểm, hi sinh hạnh phúc riêng của mình trong thời dịch. 

Để họ yên tâm làm nhiệm vụ, họ đã nhận được sự chia sẻ, động viên và đồng hành của những người thân yêu, ruột thịt, trở thành hậu phương vững chắc để họ bước vào tuyến đầu với tinh thần lạc quan và niềm tự hào khi được nhân dân giao phó. Có những con người như vậy, những gia đình như vậy, tin tưởng rằng, cuộc chiến đấu chống lại đại dịch nguy hiểm sẽ sớm kết thúc.

Nguyễn Minh (Theo báo Ninh Bình)