Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, hiện nay lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy tại Ninh Bình đang lên. Mực nước lúc 07h ngày 10/9/2024 tại Bến Đế là 3,60m (trên mức BĐ2: 0,10,), sông Đáy tại Ninh Bình 2,98m (dưới BĐ2: 0,02m).

Dự báo trong 12-24 giờ tới: mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đang lên, đỉnh lũ có khả năng lên mức 4,30-4,50m, (trên BĐ3 từ: 0,30-0,50m); trên Sông Đáy tại Ninh Bình lên mức 3,80-4,00m (trên BĐ3 từ: 0,10-0,30m). Trên Sông Đáy tại Ninh Bình mực nước tiếp tục lên, khả năng đạt đỉnh thứ 2 vào trưa chiều nay (10/9/2024), ở mức BĐ3 (BĐ3: 3,50m).

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: mực nước sông lên cao kết họp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia viễn, thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.

          Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngày 10/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó với mưa lũ, yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nội dung sau:

          Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.

          Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009.

Kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Theo đó, Sở Y tế phối hợp với địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm...do mưa, lũ gây ra.

                                                                                                                                                  Diệu Thúy