Năm 2025 trước diễn biến ghi nhận các ca mắc bệnh sởi ở trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 271/QĐ-BYT ngày22/01/2025 về triển khai chiến dịch tiêm chủng sởi năm 2025, trong đó bổ sung thêm nhóm đối tượng từ 06-09 tháng tuổi tại 24 tỉnh, thành phố và tiếp tục bổ sung thêm 17 tỉnh, thành phố để tiêm chiến dịch cho nhóm từ 01-10 tuổi và nhóm nguy cơ cao. Để tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng chiến dịch phòng, chống bệnh sởi cho các đối tượng tại vùng nguy cơ năm 2025, thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/03/2025 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất nhu cầu vắc xin triển khai chiến dịch vắc xin phòng, chống dịch sởi của các tỉnh, thành phố, tình hình dịch bệnh sởi hiện nay, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 2.
Đối tượng: Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra. Trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định. Trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi được tiêm bù mũi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025.
Việc xác định đối tượng tiêm chủng do các tỉnh, thành phố chủ động quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương, cung ứng vắc xin và trao đổi, thống nhất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực.
Phạm vi triển khai: tại 54/63 tỉnh, thành phố trừ các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Kon Tum, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu đã hoàn thành chiến dịch.
Hình thức triển khai: Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi, văc xin MR tại các cơ sở y tế, trạm tế xã, phường và các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã tùy vào điều kiện của từng địa phương. Triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm: Đối với các địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, tùy vào điều kiện của từng địa phương quyết định điểm tiêm ngoài trạm cho phù hợp với đối tượng tiêm. Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.
Tổ chức buổi tiêm chủng: Trạm Y tế xã tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi vắc xin MR tại Trạm Y tế xã hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể liên quan để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định.
Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm, tiêm cho riêng vắc xin sởi hoặc vắc xin MR; không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắcxin khác.
Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót. Đối với các trường hợp tạm hoãn: cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi theo Quyết định của Bộ Y tế. Phối hợp với ngành giáo dục trong công tác chỉ đạo, điều tra đối tượng tại các trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo. Tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin sởi, vắc xin Sởi-Rubella. Chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận/huyện tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định. Lưu ý chỉ đạo và giám sát tiêm vét sau khi kết thúc đợt tiêm chính để đạt mục tiêu đề ra.
Trung tâm Y tế huyện/thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động tiêm chủng chiến dịch vắc xin sởi, vắc xin Sởi-Rubella theo kế hoạch và báo cáo theo quy định.
Các Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện huyện và các cơ sở y tế của địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm bố trí cán bộ phối hợp với cơ sở tiêm chủng thực hiện việc khám sàng lọc, tổ chức tiêm chủng tại cơ sở y tế và theo chỉ đạo của Sở Y tế, cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
Diệu Thúy