Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh lây chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra. Bệnh dễ gây thành dịch lớn.
Theo nội dung công văn số 517/DP-DT ngày 13/6/2024 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về việc tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh do não mô cầu. Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh do não mô cầu, cụ thể như sau:
Chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp dự phòng bệnh do não mô cầu, khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; trong khu vực có ổ dịch đang lưu hành cần thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, làm việc; tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vắc xin phòng bệnh do não mô cầu; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời… Tập trung truyền thông về nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu phát hiện bệnh sớm, cách theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng để kịp thời đến cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý để điều trị tại nhà…
Truyền thông tập trung vào nhóm đố tượng có nguy cơ cao (cha, mẹ có con từ 3-5 tháng tuổi trở lên, thanh thiếu niên, những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá hoặc doanh trại quân đội, những người du lịch đến khu vực dịch tễ lưu hành, người chăm sóc ca bệnh hoặc ở trong vùng dịch, giáo viên tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, người có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh…) Đối với các khu vực có nhiều ca bệnh lưu hành, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, cần tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp đến đối tượng đích để hướng dẫn cụ thể, chi tiết các biện pháp cách ly, chăm sóc, phòng bệnh đúng cách, kịp thời.
Địa điểm truyền thông, cần tập trung khu đã có ca bệnh, ổ dịch đang lưu hành, khu vực có nguy cơ cao, đại bàn có nhiều nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, ký túc xá, doanh trai, … Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và đào tạo, cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường truyền thông trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử, mạng xã hội sẵn có của địa phương về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng bệnh từ cá nhân, gia đình, trường học, cộng đồng dân cư. Tại các cơ sở y tế cần tổ chức những hình thức, hoạt động truyền thông phù hợp tới bệnh nhân và người nhà về cách chăm sóc tại nhà, biện pháp cách ly, phòng bệnh, dấu hiệu chuyển nặng…
Các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng hoặc sử dụng tài liệu truyền thông sẵn có của địa phương và trung ương phù hợp với tình hình thực tế, ưu tiên các tài liệu truyền thông có thể chuyển tải nhanh qua hệ thống truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội. Tham khảo tài liệu truyền thông trên website của Bộ Y tế (https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/tang-cuong-phong-chong-benh-do-nao-mo-cau). Tham khảo trên website của Trung tâm Truyền thông-Giáo dục Sức khỏa Trung ương (http://t5g.org.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-viem-mang-nao-do-nao-mo-cau).
Diệu Thúy