Y dược học cổ truyền Việt Nam đã tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển nền y dược học cổ truyền. Nghị quyết  NQ/46/NQ-TW ngày 23/5/2011 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo “đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y học cổ truyền”; ngày 4/7/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT/TW nhấn mạnh “đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn đặc thù của nền đông y Việt Nam, đưa nền đông y Việt Nam trở thành một ngành khoa học mạnh”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến nay, nền y dược học cổ truyền nước ta vẫn chưa được phát huy tối đa trong chăm sóc sức khỏe của người bệnh.

Theo Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, đến năm 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và kiện toàn bệnh viện y dược cổ truyền theo hướng bệnh viện đa khoa. Tuy nhiên, đến nay, ở nhiều địa phương quy mô nhiều bệnh viện y học cổ truyền quá nhỏ, không đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, vẫn còn 13 tỉnh trong cả nước chưa thành lập được bệnh viện y dược cổ truyền. Theo Giám đốc Học viện Y dược học Việt Nam Trương Việt Bình, hiện đang rất thiếu đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu, chuyên ngành y học cổ truyền, nhất là các thầy thuốc có trình độ sau đại học.

So với y học hiện đại, y học cổ truyền rõ ràng đang bị lép vế với nguồn kinh phí hạn hẹp, chỉ chiếm 3-5 % ngân sách y tế. Vì thế, y học cổ truyền nước ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn khi thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, người dân không mấy mặn mà, thường có tâm lý chuộng thuốc ngoại… Trong khi đó, nước ta có truyền thống và nhiều tiềm năng nuôi trồng dược liệu, nhưng đến nay phát triển dược liệu còn theo kiểu manh mún. Vùng nuôi trồng dược liệu mất dần do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, không tạo động lực cho người dân trồng cây thuốc. Lương y Nguyễn Hữu Khai, Tập đoàn Y dược Bảo Long băn khoăn, nước ta hiện nay chưa có vùng chuyên canh dược liệu, chưa có một tổ chức nào đứng ra gieo trồng dược liệu bài bản.

Một nguy cơ nữa mà y dược học cổ truyền nước ta đang phải đối mặt là sự thất truyền nhiều bài thuốc, cây thuốc quý. Nguồn dược liệu trên thị trường có số lượng lớn là nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém. Mỗi năm nguồn dược liệu trong nước chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 27.700 tấn, trong khi nhu cầu cần tới gần 60.000 tấn. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng,  quản lý thuốc tây đã khó nhưng thuốc đông dược còn khó hơn nữa. Hiện nay, có một thực trạng là các doanh nghiệp nhà nước đầu mối về nhập khẩu hầu như những năm gần đây không có đơn hàng nào về nhập khẩu dược liệu nhưng trên thị trường thì cái gì cũng có, không có nguồn gốc xuất xứ như vậy rất nguy hiểm. Nên chăng cần tạo cơ chế thông thoáng đơn giản để đảm bảo doanh nghiệp nhập khẩu theo đường chính thức, có kiểm soát chất lượng đầu vào, cụ thể hóa các quy định về cấp số đăng ký lưu hành đối với thuốc nhập khẩu.

Theo ông Lê Tiến, Giám đốc Marketing - Công ty Dược phẩm Đông Á, để đảm bảo chất lượng dược liệu thì chủ yếu nhìn vào 2 vấn đề, thứ nhất là kiểm nghiệm những thành phần chính hay là định lượng của nó. Thứ 2 là kiểm nghiệm tạp chất để đảm bảo tính an toàn của nó. Nhưng những yêu cầu đó hầu như hiện nay chưa có.

Tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội – một trong những nơi được xem là có làng nghề kinh doanh dược liệu lớn nhất và lâu đời ở nước ta hiện chỉ có 10 % trong tổng số 300 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược liệu. Trung bình mỗi ngày, làng nghề tiếp nhận và sơ chế khoảng 30 tấn nguyên liệu đông dược. Tuy nhiên, làng nghề đang cần đầu tư xây dựng nơi tập trung buôn bán, bào chế đông dược vừa thuận lợi cho việc kinh doanh đảm bảo vệ sinh và vừa thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan chức năng. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đang phối hợp với Sở Y tế Hà Nội nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề kinh doanh dược liệu.

Thực trạng trên cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển kết hợp y dược học cổ truyền và y học hiện đại để chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho nhân dân, nhưng do còn nhiều hạn chế nên đến nay những tiềm năng, lợi thế về đông y vẫn chưa được tận dụng tối đa. Vì vậy, nên chăng cần một cách nhìn nhận đúng đắn, sự quan tâm, đầu tư hợp lý của các ban ngành chức năng, các địa phương và của từng người dân để y dược học cổ truyềnViệt Nam ngày càng phát triển.