Sáng ngày 22/2, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác truyền thông GDSK năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự và chủ trì Hội nghị.
Xem hình
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đức Long trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể

Góp phần tích cực cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác một cách kịp thời cho cộng đồng

Báo cáo tại Hội nghị, BS. Trần Quang Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương cho biết, năm 2011, công tác truyền thông GDSK đã được tổ chức triển khai có hiệu quả bằng nhiều hình thức sinh động và có chất lượng, góp phần tích cực trong công tác xã hội hóa chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Mạng lưới truyền thông GDSK được kiện toàn và hoàn thiện.

Hình thức truyền thông gián tiếp tiếp tục được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành phố thông qua các kênh truyền thông khá phổ biến. Hệ truyền thông GDSK từ trung ương đến địa phương đã chủ động phối hợp với các các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về các hoạt động của ngành Y tế, các thành tựu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của ngành Y tế, thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế, Đề án 1816, thực hiện y đức, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh…; tổ chức họp báo thường xuyên với các cơ quan thông tin đại chúng, góp phần tích cực vào định hướng các nội dung tuyên truyền, tránh lệch hướng, gây hiểu lầm, hiểu sai lệch các chủ trương chính sách về công tác y tế. Về truyền thông trực tiếp, hệ truyền thông GDSK từ trung ương đến địa phương cũng đã đa dạng hóa dưới nhiều hình thức như thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, tư vấn sức khỏe, tổ chức các buổi nói chuyện sức khỏe tại cộng đồng và thực hành trình diễn/làm mẫu.

Công tác phát triển tài liệu truyền thông GDSK được quan tâm, chú trọng. Các tài liệu truyền thông không những đẹp về hình thức mà còn đảm bảo nội dung chính xác, khoa học và kịp thời, phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của từng địa phương. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh với 184 đề tài nghiên cứu khoa học đã triển khai, trong đó 86 đề tài đã được nghiệm thu, 98 đề tài đang trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, hiện nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là nguy cơ tiềm ẩn nhiều bệnh, dịch ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với một số bệnh dịch đang lưu hành và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn như cúm A ở người, bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não do virus… Trước thực trạng đó, ngành Y tế từ trung ương đến địa phương luôn quyết tâm phòng và ngăn chặn, khống chế dịch bệnh không để lan rộng ra cộng đồng. Công tác truyền thông GDSK đã luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết cho nhân dân về công tác phòng bệnh, chữa bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh.

Truyền thông cần đi trước một bước

Triển khai nhiệm vụ năm 2012, hệ thống truyền thông GDSK từ trung ương đến địa phương sẽ tập trung vào việc thực hiện tốt Chương trình hành động truyền thông GDSK giai đoạn 2011-2015; tuyên truyền tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông GDSK về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền các giải pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đổi mới cơ chế tài chính, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Khám chữa bệnh, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện Đề án “Tuyên truyền thành tưu và tiến bộ y học Việt Nam”…  Đồng thời, phối hợp tốt với các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền của các đơn vị và các tỉnh, thành phố; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về truyền thông GDSK; xây dựng tài liệu truyền thông GDSK dựa vào cộng đồng phù hợp với từng địa phương…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thành tích mà hệ truyền thông giáo dục sức khỏe đã đạt được trong năm 2011. Bộ trưởng nhấn mạnh, truyền thông đã khẳng định được vai trò quan trọng và phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện các chính sách về y tế và trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chia sẻ với những khó khăn của hệ truyền thông và khẳng định Bộ Y tế sẽ cố gắng tìm giải pháp giúp hệ truyền thông khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và đặc biệt là nguồn kinh phí. Lý giải nguyên nhân truyền thông làm tốt, phục vụ tốt nhưng vẫn “đơn độc” trong ngành, Bộ trưởng chỉ rõ, liên kết giữa Trung tâm truyền thông với các đơn vị trong ngành, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia chưa mạnh. Trong khi đó, ở nhiều lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm y tế, HIV/AIDS, dân số… truyền thông đều có thể tham gia tuyên truyền và làm tốt hơn các đơn vị chuyên môn. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sắp xếp lại và sẽ chỉ đạo dành một phần kinh phí truyền thông của các chương trình mục tiêu y tế quốc gia để cho hệ truyền thông thực hiện, đảm bảo đúng nguyên tắc phối hợp, trong đó phần kỹ năng do cơ quan truyền thông đảm nhiệm, phần kỹ thuật do cơ quan chuyên môn y tế chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Pháp chế, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương nhanh chóng xây dựng đề án tăng cường năng lực mạng lưới truyền thông GDSK trong cả nước và tìm nguồn hỗ trợ nhằm bổ sung nguồn kinh phí triển khai hoạt động.

Theo Bộ trưởng, truyền thông phải đi trước một bước, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, trên cơ sở đó họ có thể thay đổi nhận thức, ý thức và hành động để biết tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, hệ truyền thông cần phải tập trung tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, đổi mới tài chính y tế, giảm tải bệnh viện, tuyên truyền về hình ảnh của người thầy thuốc…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, TTƯT.BSCKI. Đặng Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương cho biết, hệ truyền thống giáo dục sức khỏe từ trung ương đến địa phương sẽ nỗ lực hết mình, không ngừng năng cao năng lực để góp phần vào thành tích chung của từng địa phương và của toàn ngành Y tế.

Tại Hội nghị, 5 tập thể đã vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế và 21 tập thể vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ Y tế.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK