Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn y tế nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Các cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại được đầu tư xây dựng phải gắn liền với các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh đã được phê duyệt và tại các cơ sở y tế nhằm thu gom, xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp.
Quy hoạch đề ra, đến năm 2015, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Quy hoạch cũng nêu rõ, dự báo khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn cả nước năm 2015 là 50.071 kg/ngày, năm 2025 là 91.991 kg/ngày. Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm công nghệ đốt và không đốt. Việc lựa chọn công nghệ xử lý (đốt hay không đốt) dựa vào các tiêu chí sau: thành phần, tính chất chất thải rắn y tế nguy hại; khả năng phân loại, cô lập chất thải rắn y tế tại nguồn thải; khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại cần xử lý; vị trí đặt cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại; khả năng tài chính và khả năng quản lý vận hành của từng địa phương.

Trên cơ sở công tác quản lý chất thải rắn y tế nguy hại, 3 mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được đề xuất gồm: mô hình xử lý tập trung; mô hình xử lý theo cụm bệnh viện; mô hình xử lý tại các cơ sở y tế. Việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại dựa vào các tiêu chí sau: mức độ phát sinh tập trung chất thải rắn y tế nguy hại; khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh; hiện trạng cơ sở xử lý chất thải rắn; mức độ thuận tiện trong việc thu gôm, vận chuyển; định hướng quy định xử lý chất thải rắn.

Theo Quy hoạch, đối với vùng đồng bằng sông Hồng (bao gồm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ): đến năm 2015 có 9 tỉnh, thành phố áp dụng mô hình xử lý tập trung, riêng tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh áp dụng mô hình xử lý theo cụm bệnh viện; đến năm 2025, toàn bộ 11 tỉnh/thành phố áp dụng mô hình xử lý tại chỗ. Đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ: áp dụng mô hình xử lý theo cụm bệnh viện cho 13 tỉnh, riêng tỉnh Lai Châu áp dụng mô hình xử lý tại chỗ; đến năm 2025, áp dụng mô hình xử lý tập trung cho tất cả các tỉnh/thành phố. Đối với vùng Trung Bộ (bao gồm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ): đến năm 2015, áp dụng mô hình xử lý tập trung cho 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định và Khánh Hòa), 8 tỉnh còn lại áp dụng mô hình xử lý theo cụm; đến năm 2025, áp dụng mô hình xử lý tập trung cho các tỉnh/thành phố.

Đối với vùng Tây Nguyên: đến năm 2015, áp dụng mô hình xử lý tại chỗ; đến năm 2025, áp dụng mô hình xử lý tập trung tại 3 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng), 2 tỉnh còn lại áp dụng mô hình xử lý theo cụm. Đối với vùng Đông Nam Bộ (bao gồm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam): áp dụng mô hình xử lý tập trung tại 4 tỉnh, thành phố (Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh), riêng 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh áp dụng mô hình cụm; đến năm 2025, áp dụng mô hình xử lý tập trung cho toàn bộ 6 tỉnh. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long: đến năm 2015, áp dụng mô hình xử lý tập trung cho 11 tỉnh, riêng 2 tỉnh Long An và Cần Thơ áp dụng mô hình xử lý tập trung; đến năm 2025, áp dụng mô hình xử lý tập trung cho toàn bộ các tỉnh/thành phố.

Quy hoạch được chia làm 3 giai đoạn thực hiện với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn ODA và tài trợ nước ngoài; nguồn vốn vay dài hạn; vốn từ các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.