Ngày 15/8, tại TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dự Hội nghị Tăng cường phòng chống bệnh tay - chân - miệng (TCM) và triển khai chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải giám sát chặt chẽ, tăng cường truyền thông và huy động các nguồn lực để sớm ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh.
Xem hình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhi đang điều trị bệnh tay – chân - miệng tại Bệnh viện Nhi

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại phía Nam

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, tính đến đầu tháng 8/2011, cả nước đã có 32.500 ca mắc (81 ca tử vong) trên 52 tỉnh thành phố (thángcao điểm có hơn hai ngàn ca mắc). Bệnh tập trung cao nhất chủ yếu ở 17 tỉnh miền Nam và miền Trung. Hai địa phương có số ca mắc và tử vong cao nhất là TP.HCM và Đồng Nai. Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Việt Thanh, bệnh TCM tăng đột biến trong năm 2011 ngay từ cao điểm đầu năm. Hiện thành phố đã có hơn 14.090 ca mắc TCM nhập viện (trong đó hơn nửa số ca của TP.HCM, còn lại ở các tỉnh lân cận) và 61 trường hợp tử vong (TP.HCM có 22 ca). Bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, chiếm hơn 90%. Hầu hết các em không đến trường mà mắc tại nhà. Bác sĩ Thanh cho biết, TP.HCM hiện giao ban mỗi tháng một lần và đã phát hơn 50 tấn chloramin B, mở rộng mạng lưới điều trị và tăng cường hội chẩn từ xa… TS.BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho biết, hiện BV đang quá tải vì dịch bệnh TCM. Mỗi ngày BV phải khám tới bảy ngàn bệnh nhi và có gần hai ngàn ca đang điều trị nội trú, 1/3 trong số đó diễn tiến nặng. SXH cũng đã có hơn hai ngàn ca nhập viện (hơn một nửa bệnh nhân ở TP. HCM) nên BV rất lo nếu tình trạng TCM vừa giảm, SXH lại tăng. Trong thời gian qua, BV phải di dời bệnh nhân Khoa Nhiễm như các bệnh sởi, viêm màng não đi nơi khác và hồi sức tăng cường dành cho bệnh nhi TCM. Kinh phí dành cho thuốc điều trị đã hết 66 tỉ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm chỉ riêng gamma - globulin đã hết 15 tỉ đồng.

Dự báo tình hình dịch, TS.BS. Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, dựa vào số liệu 2008 đến nay, đỉnh dịch TCM rơi vào tháng 5-6 và cao nhất vào cao điểm tháng 9 đến tháng 11. Trong năm 2011, bệnh tăng đột biến từ tháng thứ 4, dự báo những tháng kế tiếp rất khó khăn. Tình hình bệnh TCM hiện nay rất phức tạp, nếu chưa thể hạn chế số ca mắc thì phải đặt mục tiêu giảm số ca tử vong. Khi điều trị phải xác định khả năng đáp ứng với phác đồ của Bộ, nếu khả năng tuyến dưới chưa điều trị được thì phải chuyển lên tuyến trên. BS Hữu cũng cho rằng, TCM tăng đột biến là do chu kỳ: hiện nay nhiều quốc gia châu Á đang có dịch lớn Trung Quốc, Nhật Bản theo chu kỳ 2-4 năm có dịch. Hiện nay phải chăng ta đang rơi vào chu kỳ dịch?

Giám sát chặt và tăng cường truyền thông

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, nếu nhìn nhận thẳng thắn thì trong thời gian qua các địa phương chưa có sự quan tâm đầy đủ tới dịch. Việc phản ứng với dịch còn chậm nên khi dịch xảy ra không khống chế lây lan kịp thời. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương cần có kế hoạch cụ thể và phải giảm được số ca mắc. Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tác nhân gây bệnh TCM là virus EV71 có khả năng tử vong 3 ngày đầu rất cao, mặc dù đã có phác đồ điều trị. Hiện TCM là bệnh có số ca tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Theo phân tích của Bộ trưởng, ngành y tế các địa phương đã phối hợp tốt với chính quyền, các ban ngành, đơn vị y tế tỉnh bạn trong công tác phòng chống dịch bệnh; Công tác truyền thông mạnh mẽ, nhiều kênh, nhiều hình thức nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao nhất bởi chưa “phủ sóng” hết đối tượng đích, thông điệp truyền thông chưa thật rộng và chuẩn.

Theo Bộ trưởng, trọng tâm trong thông điệp truyền thông là phải sạch tay mẹ, sạch tay bé, ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, khăn lau cho bé. Nếu chỉ tuyên truyền cho mẹ rửa tay thôi là chưa đủ bởi rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà bông cũng cực kỳ quan trọng bởi trẻ nhỏ thường mút tay, nghịch đồ chơi, cầm nắm những vật có thể nhiễm mầm bệnh. Song song đó, khăn lau, đồ chơi, nền nhà… đều phải được xử lý bằng chloramin B… Bộ trưởng yêu cầu trong giám sát cần phân tích, thống kê đặc điểm trẻ mắc bệnh (nhóm trẻ, gia đình hay trường mầm non) để xác định được bản đồ dịch tễ, xác định điểm nóng để can thiệp, truyền thông. Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông cũng mắc phải hạn chế này khi tập trung quá nhiều vào chuyên môn (điều trị, triệu chứng) mà chưa nêu bật được vai trò dự phòng. “Động tác rửa tay tuy đơn giản nhưng là biện pháp đem lại hiệu quả nhất. Tại các hộ gia đình, hiện nay thay vì phát chloramin B thì nên phát xà bông để rửa tay cho phụ huynh và cáctrẻ”, Bộ trưởng cho biết. Theo Bộ trưởng, các vấn đề liên quan đến TCM như thuốc điều trị, công tác tập huấn, nghiên cứu khoa học, Bộ sẽ cùng với các địa phương tăng cường và đảm bảo. Nguồn thuốc sẽ giao thêm cho các công ty nhập trên cơ sở có khảo sát, đánh giá về nhu cầu. Công tác tập huấn sẽ triển khai cho cả BS công và ngoài công lập, phòng khám ngoài giờ để mở rộng mạng lưới dự phòng, điều trị. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, đã mời các chuyên gia nước ngoài để hợp tác cùng ngành y tế trong công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh TCM nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.