Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2011-2016, mặc dù phải giải quyết, xử lý nhiều công việc, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành cho báo Sức khỏe & Đời sống cuộc phỏng vấn về những nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, những mong muốn để ngành y tế có điều kiện phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân…

PV: Thưa Bộ trưởng, ở nhiệm kỳ này, Bộ trưởng có trách nhiệm “hai vai” khi vừa là ĐBQH, vừa là thành viên Chính phủ. Vậy Bộ trưởng có cho rằng trách nhiệm “hai vai” này sẽ tạo thuận lợi hơn để Bộ trưởng có nhiều điều kiện đưa ra những đề xuất, kiến nghị cho sự phát triển của ngành y tế trước Quốc hội, Chính phủ?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Vừa là thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực y tế, vừa là ĐBQH từ nhiệm kỳ khóa XII và đến nay là nhiệm kỳ khóa XIII nên tôi cũng hiểu rõ được những khó khăn, bất cập của ngành cũng như những tâm tư nguyện vọng của cử tri ngành y tế nói riêng, cử tri và nguyện vọng của nhân dân nói chung. Do đó những lúc có điều kiện phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, tôi đều cố gắng tranh thủ thời gian để nói lên những cái “cần”, những mong muốn, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội.

PV: Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ. Vậy, những khó khăn, thách thức đó là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Sức khỏe là vốn quý nhất của con người và xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe an toàn, chất lượng và hiệu quả là quyền chính đáng của người dân. Chất lượng cuộc sống ngày càng tăng - dân số tăng nên nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân cũng tăng lên. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của ngành y tế phát triển chưa theo kịp, số giường bệnh vẫn chưa tăng lên nhiều. 30 năm trở lại đây dân số tăng nhanh nhưng số bệnh viện (BV) công lập mở ra không bao nhiêu. Thời gian qua, nhờ có nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chúng ta đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các BV huyện để giảm tải BV tuyến trên. Tuy nhiên việc xây mới vẫn còn rất ít. Ngân sách nhà nước dành cho BV công lập cũng hạn chế, các BV phải vay vốn để đầu tư, rất khó khăn. Chúng ta có đề án giảm tải các BV lớn, nhưng Nhà nước phải đầu tư ngân sách để tăng thêm giường bệnh. Ngoài ra, các tỉnh cũng phải dành quỹ đất để mở BV công lập.

Trong những năm qua, mặc dù Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tăng đầu tư cho ngành y tế nhưng Quốc hội vẫn chưa quy định tỷ lệ % ngân sách chung theo GDP cho y tế. Tiếp đến, vấn đề đổi mới cơ chế tài chính cho ngành y tế vẫn chưa được thông qua, tự chủ tài chính cho hoạt động KCB còn khó khăn, giá dịch vụ y tế đã quá lạc hậu, thu không đủ bù chi; rồi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực y tế cơ sở và đối phó với thiên tai, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp…

PV: Thưa Bộ trưởng, những vấn đề nào sẽ được ưu tiên giải quyết để đưa ngành y tế tiếp tục phát triển và nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong nhiệm kỳ này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có 5 vấn đề tôi và các đồng nghiệp, ngành y tế quan tâm, trăn trở, tâm huyết và đó cũng là đòi hỏi của người dân.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện giảm quá tải các BV tuyến TW, đặc biệt là các BV chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản.

Thứ hai, vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa an sinh xã hội lớn nhưng cần có thời gian và lộ trình thực hiện, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Chỉ có BHYT toàn dân mới đảm bảo nguồn tài chính vững chắc, lâu dài và đảm bảo thực hiện chăm sóc y tế công bằng và hiệu quả. Để làm được điều này, cần một đề án trình Chính phủ và đề xuất với Quốc hội để có nghị quyết về thực hiện Luật BHYT, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân: tăng tỉ lệ người dân được tiếp cận và thụ hưởng BHYT, giảm bớt các thủ tục phiền hà cho người bệnh sử dụng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng KCB cho bệnh nhân BHYT. Trước mắt, tập trung ưu tiên các đối tượng người cận nghèo, học sinh - sinh viên, nông dân…

Thứ ba, đảm bảo được chất lượng dịch vụ y tế. Muốn làm được phải đổ i mới cơ chế tài chính y tế theo hướng thu đủ, bù chi, tính đúng, tính đủ.

Tiếp đó là, tăng cường nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bởi đây là “xương sống” của ngành y tế để góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phải tăng cường cở sở vật chất, nhân lực, phải có bác sĩ, trang thiết bị, đủ thuốc. Tới đây chúng tôi sẽ thay đổi Chuẩn y tế xã để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Làm sao để người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa bị bệnh nhẹ thì đến cơ sở y tế xã, huyện. Điều này vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế ở mọi vùng, không phân biệt thu nhập.

Một vấn đề nữa là, tiến tới đảm bảo nhu cầu nhân lực y tế cho các tuyến, song song với tiếp tục đẩy mạnh phát triển y tế kỹ thuật cao để người dân không phải ra nước ngoài KCB, vừa gây lãng phí, vừa không hiệu quả.

Ngoài những vấn đề trọng tâm trên, các lĩnh vực khác như phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao y đức, quản lý giá thuốc, vệ sinh môi trường y tế… cũng sẽ được ngành y tế quan tâm, giải quyết.

PV:Hiện nay giá dịch vụ y tế theo khung giá cũ đã quá lạc hậu, thưa Bộ trưởng, chúng ta cần phải làm gì để người dân hiểu được việc điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế là cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng KCB và hướng đến công bằng hơn trong thụ hưởng dịch vụ y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khung giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1994 hiện đã quá lạc hậu. Với giá này không thể nào có chất lượng dịch vụ tốt được, do đó cần phải đổi mới cơ chế tài chính y tế, nghĩa là phải tính đúng, tính đủ. Đến nay giá dịch vụ y tế chỉ quy định thu một phần, vì thế không đáp ứng đủ chứ đừng nói là tốt. Nhà nước thì bao cấp y tế cho cả người nghèo và người giàu, vì thế người giàu muốn chọn dịch vụ tốt hơn thì BV công lập cũng không có, họ lại tìm ra nước ngoài chữa, rất lãng phí. Các BV công lập vì không được thu đủ nên chất lượng không thể bảo đảm cho người dân, vì vậy tạo ra tâm lý chưa hài lòng của người dân. Tới đây chúng tôi sẽ trình lên Chính phủ Nghị định về cơ chế tài chính trong y tế điều chỉnh một số giá dịch vụ y tế. Với Nghị định này, giá dịch vụ y tế sẽ được tính đúng tính đủ, chứ không phải chỉ tính một phần như hiện nay. Liên bộ Y tế và Tài chính hiện đang phối hợp chặt chẽ để ra một Nghị định đổi mới cơ chế tài chính y tế.

Nghị định đổi mới cơ chế tài chính y tế muốn ra đời phải có sự đồng lòng của người dân, nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, vì giá y tế hiện nay quá lạc hậu. Thực tế cũng cho thấy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế này sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi do chi phí KCB của các đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn…

PV: Xin Bộ trưởng có đôi lời với người dân và cán bộ ngành y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Những yêu cầu về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân là chính đáng, nhưng có những việc không phải có thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có lộ trình, thời gian và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đối với người dân, cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh, ăn uống hợp lý. Không ai có thể tự lo cho sức khỏe của mình bằng chính mình.

Đối với các cán bộ ngành y tế, cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tìm mọi cách để phòng bệnh, cứu chữa người bệnh với cái tâm trong sáng. Làm nghề y là phải học tập y đức suốt đời.

Ngành y tế cũng sẽ đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi hơn về phụ cấp, chế độ học tập… để người thầy thuốc có thể yên tâm, toàn tâm, toàn ý làm nghề. Với chức năng và quyền hạn của mình, tôi sẽ cố gắng góp phần tích cực để giải quyết những khó khăn, bất cập của ngành y tế trên tinh thần cái gì có lợi cho dân thì làm .