Ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình luôn cố gắng để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Các đơn vị chuyên trách dân số nỗ lực cung cấp tốt các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng sống của người dân, đặc biệt của nữ giới.
Theo Báo cáo của Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình về kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2014, trong cung cấp các phương tiện tránh thai, Tổng cục đã cung cấp 898.560 chiếc dụng cụ tử cung TCu 380; cấp 9.740 liều thuốc cấy tránh thai; 881.400 lọ thuốc tiêm tránh thai DMPA; 8.724.379 vỉ viên uống tránh thai Ideal; 1.410.000 vỉ viên uống tránh thai Naphalevo và 21.425.000 chiếc bao cao su. Trong đó, cấp ngoài chỉ tiêu, kế hoạch, bổ sung theo đề nghị của 12 tỉnh, thành phố là 132.000 vòng tránh thai và 27.216 lọ thuốc tiêm để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và đáp ứng nhu cầu. Hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tiếp tục được triển khai chủ yếu thông qua Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ và Công ty cổ phần D.H.S. Năm 2014 là năm đầu tiên dụng cụ tử cung được phân phối qua hệ thống Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tại địa phương và kết quả bước đầu cho thấy nhu cầu tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai là rất cao. Kết quả tiếp thị xã hội năm 2014 đã bán thành công 3.429.393 vỉ viên tránh thai, 15.261.318 chiếc bao cao su và 10.236 chiếc vòng tránh thai Silk, đáp ứng nhu cầu của 426.000 lượt người, tương ứng với 1/10 chỉ tiêu kế hoạch số người mới sử dụng biện pháp tránh thai.
Trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố năm 2014 cho thấy: số nữ đặt vòng tránh thai mới năm 2014 là 807.245 người, so với cùng kỳ năm 2013 giảm 223.141 người, giảm 21,7%. Có 12/63 tỉnh, thành phố có số nữ đặt vòng tránh thai tăng như: Hà Nội 5.627 người, Bắc Giang 2.594 người, Lạng Sơn 2.196 người, Bình Thuận 1.946, Đà Nẵng 1.690…
Số phụ nữ thôi sử dụng vòng tránh thai năm 2014 là 81.301 người, giảm 34.824 người so với cùng kỳ năm 2013, giảm 30%. Có 28/63 tỉnh, thành phố có số ng ười thôi sử dụng vòng tránh thai tăng như: Hải Phong 308 người, Thanh Hóa 585 người, Hà Tĩnh 534 người, Đà Nẵng 476 người, Thừa Thiên Huế 447 người.
Năm 2014, ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình triển khai cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại 2.215 xã, tập trung vào các xã có mức sinh cao, xã có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, xã có nhiều đối tượng khó tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Kết quả cung cấp dịch vụ trọng Chiến dịch cung cấp dịch vụ cho gần 2,9 triệu lượt đối tượng thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Mặc dù công tác cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã có được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn có yếu tố gây ảnh hưởng không tốt đến việc cung ứng này bởi ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đã và đang gặp khó khăn. Trao đổi với các phóng viên báo chí tại một Hội thảo về dân số mới đây, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đang gặp một số khó khăn như: nguồn lực bị cắt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, có năm cắt giảm tới hơn 50% dự toán kế hoạch nên ngành cũng gặp nhiều khó khăn trong ổn định tổ chức bộ máy cũng như duy trì và nâng chất lượng hoạt động; năng lực đáp ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại tuyến cơ sở còn hạn chế.
Việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã góp phần giúp công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đã đạt được thành tựu như: sớm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu ổn định về quy mô dân số, về duy trì mức sinh thấp hợp lý, việc nâng cao chất lượng dân số bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng đóng góp tích cực vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Trong thời gian tới, ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình sẽ chú trọng đảm bảo dịch vụ sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của toàn ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai.
T5G