Ghép tạng được đánh giá là một trong mười thành tựu khoa học lớn nhất của thế kỷ XX. Ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1952. Đó là trường hợp của một bà mẹ tình nguyện hiến một quả thận cho cậu con trai không may bị tai nạn và bị giập thận.

Ca phẫu thuật không đem lại kết quả như mong đợi nhưng đã tạo tiền đề để các nhà khoa học toàn cầu nghiên cứu kỹ thuật ghép thận và ghép tạng trên người. Và kết quả đã đến, năm 1954, ca ghép thận đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện thành công tại Boston (Mỹ). Trong những năm 1970, 1980, kỹ thuật ghép tạng ngày càng được hoàn thiện dần. Ngày nay, kỹ thuật ghép tạng trên thế giới đã có bước phát triển mạnh mẽ; với những ca tiêu biểu như ghép tim thành công ở trẻ mới sinh 9 giờ tuổi; ghép phổi từ người hiến tạng sống; ghép đa tạng như đồng ghép tim, phổi, thận, tụy, gan, tim cùng 1 thì… Đặc biệt, thời gian sống sau ghép của bệnh nhân đã tăng đáng kể (trên 30 năm với bệnh nhân ghép thận, trên 25 năm với bệnh nhân ghép gan, trên 20 năm với bệnh nhân ghép tim). Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tạng đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều bệnh nhân hòa nhập tốt với cộng đồng trong lao động, học tập, kết hôn, sinh con.

Song hành với bước phát triển của thế giới, trong 20 năm qua, ghép tạng ở Việt Nam đã hình thành và thu được những thành công quan trọng. Thành công đầu tiên trong ghép tạng ở nước ta phải kể đến ghép thận, sau đó là ghép gan và ghép tim

 Gần 600 bệnh nhân đã được ghép thận

Ở Việt Nam, ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam thai nghén từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh. Do điều kiện khó khăn của đất nước nên mãi đến ngày 4/6/1992, ca ghép thận đầu tiên của nước ta được tiến hành thành công tại Bệnh viện 103- Học viện Quân y. Ca ghép thận này có sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sỹ Đài Loan. Bệnh nhân được ghép thận là ông Vũ Mạnh Đ. 40 tuổi, được nhận quả thận ghép từ em ruột mình hiến tặng. Sau đó, tháng 12/1992, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã triển khai ghép thận thành công. Những ca ghép thận đầu tiên này đã đánh dấu một mốc son cho sự lớn mạnh của nền y học nước nhà; và khởi đầu cho chuyên ngành mới của nước ta: chuyên ngành ghép tạng.

Tiếp sau đó, nhiều bệnh viện đã triển khai và thực hiện thành công ghép thận. Đó là, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành ca ghép thận thành công đầu tiên vào tháng 8/2000; Bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 7/2001; Bệnh viện Nhân dân Gia định vào tháng 1/2002; Bệnh viện Nhân dân 115 vào tháng 2/2004; Bệnh viện Nhi Trung ương vào tháng 5/2004; Bệnh viện Nhi đồng II tháng 6/2004); Bệnh viện Bạch Mai tháng 11/2005; Bệnh viện Đa khoa TP. Đà Nẵng tháng 3/2006; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tháng 3/2007; Bệnh viện 19-8 tháng 10/2008...  Tính đến nay, các bác sỹ Việt Nam đã tiến hành ghép thận cho gần 600 trường hợp, chỉ trong 3 năm gần đây đã ghép gần 300 ca với kết quả tốt. Nhiều bệnh viện đã áp dụng mổ nội soi lấy thận ghép qua nội soi ổ bụng hoặc nội soi sau phúc mạc. Nhiều bệnh viện hiện nay ghép thận đã được thực hiện thường quy, có thể thực hiện đồng thời 2- 3 ca ghép trong cùng một ngày. Thời gian ghép trung bình 3 tiếng; thời gian nằm viện 8- 10 ngày. Ca ghép thận từ người cho chết não đã được thực hiện từ năm 2010.

20 bệnh nhân được ghép gan  

Thành công trong lĩnh vực ghép tạng của nước ta phải kể đến ghép gan. Xuất phát điểm của ghép gan ở nước ta được khởi nguồn vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX với việc GS. Tôn Thất Tùng triển khai nghiên cứu ghép gan thực nghiệm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức.

Ngày 31/1/2004, Học viện Quân y đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên trên người. Bệnh nhân được ghép là cháu Nguyễn Thị D., 10 tuổi, bị teo đường mật bẩm sinh, có biến chứng xơ gan và chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Người cho gan là bố đẻ của cháu- anh Nguyễn Quốc P. 31 tuổi. Ca mổ được tiến hành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Từ đó đến nay, đã có 20 trường hợp ghép gan được tiến hành tại 4 trung tâm là Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức và Bệnh viện Nhi đồng II TP. Hồ Chí Minh; trong đó có 17 ca ghép gan từ người cho sống và 3 ca ghép từ người cho chết não. Trường hợp ghép gan từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện vào ngày 21/5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức.

Bước tiến trong ghép tim

Ghép tim trên người, hiện nay được chấp nhận rộng rãi, là một biện pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh lý tim giai đoạn cuối. Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu ghép tim thực nghiệm từ năm 2005, nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não năm 2009. Sau thời gian dài nghiên cứu và chuẩn bị, ngày 17/6/2010, ca ghép tim đầu tiên trên người tại Việt Nam từ người cho chết não được tiến hành thành công tại Bệnh viện 103- Học viện Quân y. Bệnh viện 103 đồng thời triển khai thành công 3 ca ghép (1 ca ghép tim, 2 ca ghép thận). Tiếp sau đó, ghép tim thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế (1/3/2011), Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức  (15/4/2011). Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức đã triển khai cùng lúc 4 ca ghép: 2 ca ghép thận, 1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan. Để có thể cùng lúc tiến hành 4 ca ghép này, Bệnh viện đã huy động 150 bác sỹ và cán bộ y tế tham gia các kíp phẫu thuật.  

Nhiều bệnh nhân mong chờ được ghép tạng  

Theo thống kê, cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mạn cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc… Còn theo số liệu điều tra sơ bộ mới được thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội, trong số 4.143 người bệnh gan, thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan (chiếm 33,66%)- một số lượng khá lớn! Tuy vậy, số người được ghép lại quá ít. Nguyên nhân là do số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi. Từ trước đến nay, đa phần các ca ghép tạng là do chính anh, chị, em trong gia đình người bệnh hiến tặng. Người phương Đông, trong đó có Việt Nam, luôn quan niệm: “Sống để đức, chết phải toàn thây”. Chính vì vậy, mặc dù có nhiều người nhận thức được ý nghĩa nhân văn của hiến tạng và tình nguyện hiến khi qua đời. Tuy nhiên, sau khi họ mất, gia đình đã không đồng ý cho các cán bộ y tế lấy đi bất cứ một bộ phận nào.

Ngoài việc thiếu hiểu biết về hiến- ghép tạng, thì chi phí cũng là một rào cản không nhỏ. Chi phí cho 1 ca ghép thận hiện nay khoảng 180 đến 200 triệu đồng; chi phi ghép gan, ghép tim còn lớn hơn. So với chi phí ghép tạng ở các nước trong khu vực thì số tiền này không cao, nhưng so với thu nhập của đại đa số người bệnh cần được ghép tạng ở nước ta thì số tiền này không nhỏ chút nào. Đó là chưa kể việc sau ghép, người bệnh còn phải dùng các loại thuốc chống đào thải, với số tiền trung bình 4- 8 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp bệnh phức tạp, người bệnh phải dùng thuốc đắt hơn, chi phí sẽ tốn kém nhiều hơn. Như vậy, tuy có khỏi bệnh nhưng với thu nhập của đại bộ phận nhân dân, đây là số tiền mà không phải ai cũng có thể chi trả được.

Tại Bệnh viện 103 cũng như các bệnh viện khác trong cả nước, số người có nguyện vọng ghép tạng là rất lớn. Nếu không có nguồn ghép tạng, bệnh của họ ngày càng nặng và tính mạng luôn bị đe dọa. Trong khi đó, nguồn tạng hiến luôn khan hiếm. Ghép tạng từ người cho chết não là giải pháp tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay. Một người chết não có thể hiến tim, gan, thận, giác mạc, tụy, ruột, mạch máu…, nếu được người thân đồng ý cho hiến tạng thì sẽ giúp hồi sinh sự sống cho nhiều người.    

Tác giả: Trung tâm TTGDSK