Trong thời gian gần đây, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, số ca mắc và nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh. Các chuyên gia dịch tễ dự báo, dịch bệnh này tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy người dân cần có ý thức phòng bệnh.
Xem hình

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương,trong tháng 7 có 93 ca nhập viện do sốt xuất huyết, nhưng nửa đầu tháng 8 đã có 66 ca và khả năng số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện, điều đáng lo là phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn, vì không biết mình bị sốt xuất huyết, mà tưởng bị sốt vi-rút. Việc nhập viện muộn không chỉ khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng, mà còn kéo dài thời gian điều trị.

Tại một số bệnh viện khác trên địa bàn như Nhi Trung ương, Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn cũng xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, anh Nguyễn Tuấn Cảnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thấy con sốt cao ba ngày không đỡ, tưởng bị sốt vi-rút, cho nên gia đình dùng thuốc hạ sốt thông thường. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm mới biết, con anh bị sốt xuất huyết Dengue, vì vậy bé phải nhập viện để theo dõi.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 850 ca mắc sốt xuất huyết rải rác tại 29 quận, huyện. Số lượng bệnh nhân tăng đột biến trong khoảng tháng rưỡi trở lại đây. Bệnh chủ yếu ở người lớn, số mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%, tập trung chủ yếu ở các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện Thanh Trì. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện dịch bệnh này chỉ có tính chất tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, phức tạp. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình dịch sốt xuất huyết nhiều năm tại Hà Nội, dự báo năm 2015 có thể gia tăng số người mắc bệnh, do đến chu kỳ dịch.0

Để ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch, ngành y tế Hà Nội đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại hộ gia đình; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành diện rộng nhằm khống chế không để dịch bùng phát và lây lan...

Tuy nhiên, điều khiến những người làm công tác dịch tễ lo ngại là ý thức phòng bệnh của nhiều người dân chưa tốt. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn phản đối, không cho cán bộ y tế đến điều tra dịch tễ, phun hóa chất diệt muỗi, không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi trong gia đình có người mắc bệnh. Trong khi đó, thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân khiến tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết có cơ hội phát triển. Đặc biệt, tập quán tích trữ nước, nhưng không thả cá diệt bọ gậy, hay lọ hoa để lâu ngày không thay nước, chậu cây cảnh, chai lọ, vỏ lon nước ngọt... vứt ra ngoài vườn cũng có thể ứ đọng nước và là nơi sinh sôi lý tưởng của muỗi truyền sốt xuất huyết.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy là vô cùng quan trọng. Đối với người dân, khi bị sốt kéo dài, mọi người cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị, nhất là không tự ý truyền dịch tại nhà.

 

Nhân dân