Thời gian gần đây, trước tình trạng xuất hiện thịt lợn có chất tạo nạc (Beta- agonists) tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm nhiều người tiêu dùng lo lắng, các hộ kinh doanh sản phẩm thức ăn chăn nuôi, hộ trực tiếp chăn nuôi… rơi vào tình trạng ế ẩm, điêu đứng.
Xem hình
Các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra chất tạo nạc trong thịt lợn tại chợ Rồng (Tp. Ninh Bình)

Tại thị trường Ninh Bình, qua kiểm tra lấy các mẫu xét nghiệm từ thịt, từ sản phẩm thức ăn chăn nuôi và hộ chăn nuôi lợn đã không phát hiện tình trạng sử dụng chất tạo nạc.Theo các nhà khoa học, chất tạo nạc (Beta - agonists) là loại chất tăng trọng, tạo nạc, bổ sung vào thức ăn chăn nuôi để kích thích lợn tăng trưởng và cho thịt siêu nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn. Beta - agonists là một chất hóa học được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Beta - agonist gồm các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính. Việc sử dụng trái phép Beta - agonists trong thức ăn chăn nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn) dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật. Người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư hoóc-môn Beta-agonist sẽ bị nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim tăng, tăng hoặc hạ huyết áp, dùng lâu dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Các loại thuốc này do Trung Quốc sản xuất không mùi, không màu.Qua kết quả điều tra, từ khi có “thần dược”, lợn nuôi ba tháng có thể xuất chuồng (bình thường phải mất bốn tháng). Một số trại chăn nuôi cho ăn trước khi xuất chuồng 20 ngày. Lợn ăn vào thời điểm này sẽ giúp tích nước, tạo nạc, lớn nhanh, cho lãi cao. Việc phát hiện thịt lợn siêu nạc gây nguy hiểm đến sức khỏe đã gây nên tâm lý lo lắng cho nhiều người dân, khiến nhiều người tẩy chay luôn cả thịt lợn sạch, không dám tiêu dùng.Có mặt tại chợ Rồng Ninh Bình vào một ngày giữa tháng 4-2012 nhận thấy không khí sôi động trao đổi mua-bán tại các quầy thịt tại chợ, khác với trước đó hơn nửa tháng là tình trạng vắng vẻ, ế ẩm cũng tại các quầy bán thịt này. Chị Hải, một người bán buôn hàng tạ thịt lợn thương phẩm mỗi ngày cho biết: Cách đây gần nửa tháng, có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát hiện nhiều mẫu thịt lợn sử dụng chất tạo nạc tại một số tỉnh, thành phố rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người thì theo “hiệu ứng dây chuyền”, các quầy thịt ở chợ Rồng đều giảm lượng tiêu thụ đáng kể. Như quầy hàng của chị, trước đó mỗi ngày bán buôn từ 2-3 con lợn, với từ 1,3-1,5 tạ thịt lợn thương phẩm nhưng thời điểm đó chị chỉ bán cầm chừng vài chục kg. Tâm lý người tiêu dùng hoang mang, lo sợ, người buôn bán chán nản, lo lắng, vừa bán thịt vừa phải cam đoan là thịt không có chất tạo nạc nhưng chúng tôi cũng không biết và không có cơ sở để khẳng định chắc chắn giúp người mua tin tưởng.Chị Ngô Thị Tuyết, Trưởng Ban quản lý chợ Rồng cho biết: Với gần 25 quầy thịt lợn, chợ Rồng gần như là chợ đầu mối thực phẩm của thành phố, của tỉnh để tiểu thương ở các chợ nhỏ trên địa bàn thành phố và một vài chợ thuộc các huyện giáp thành phố mua cất về bán cho người tiêu dùng, mỗi ngày có từ 1,5-1,7 tấn thịt lợn được bán và xuất đi khắp các chợ, do đó trước thông tin có chất tạo nạc trong thịt lợn đã làm cho tình hình kinh doanh giảm đáng kể.Khi được các cơ quan chức năng tổ chức lấy các mẫu xét nghiệm, gửi lên Trung ương phân tích và thông báo kết quả không có chất tạo nạc trong thịt lợn, không chỉ BQL chợ mà các tiểu thương kinh doanh thịt lợn đều thở phào nhẹ nhõm và rất vui mừng. Để thêm phần tin tưởng, ngay khi có kết quả của các cơ quan chức năng, BQL chợ đã tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh mỗi ngày 2 lần, giúp người tiêu dùng, người buôn bán kinh doanh yên tâm mua bán và sử dụng thịt lợn. 

Cũng theo chị Tuyết, do BQL chợ chưa nắm bắt, quản lý được đầu vào của nguồn hàng (do các tư thương thu gom hàng ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, có khi ở tỉnh ngoài như Nam Định, Hoà Bình, Thanh Hoá…) nên rất mong các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền sâu rộng đến nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi lợn để có những sản phẩm thịt lợn sạch, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.Tại cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y Tho Mận, thị trấn Ninh (Yên Khánh), chị Nguyễn Thị Mỵ, chủ cửa hàng cho biết: Gia đình chị kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã hơn chục năm nay. Nguồn hàng được chị liên kết kinh doanh và nhập về từ các công ty, nhà máy chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi có uy tín, chất lượng cao. Trước thông tin xuất hiện chất tạo nạc trong thịt lợn, tình hình kinh doanh của gia đình có giảm xuống do người chăn nuôi không xuất bán được lợn khi đến lứa do hoặc nuôi lợn không có lãi nên không còn mặn mà với nghề nuôi lợn.Được Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức lấy các mẫu thức ăn đi xét nghiệm và kết quả không có chất tạo nạc trong các sản phẩm thức ăn chăn nuôi lợn tại cửa hàng khiến chị rất yên tâm và là bằng chứng để người chăn nuôi thêm tin tưởng khi đến mua sản phẩm, từ đó chị cũng tích cực tuyên truyền cho người chăn nuôi chân chính yên tâm đầu tư, giữ vững quy mô chăn nuôi để nhanh chóng khắc phục tình trạng ế ẩm như hiện nay. 

Chị Mỵ cho biết thêm: Gia đình chị mỗi tháng bán hơn 100 tấn thức ăn gia súc các loại, chủ yếu cho hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Khánh và Kim Sơn. Từ khi có thông tin chất tạo nạc trong thịt lợn, giá các loại cám dùng cho nuôi lợn đã giảm đáng kể, từ 4.500 đồng/kg giảm xuống còn 3.600 đồng/kg.Đối với hộ chăn nuôi quy mô trang trại như gia đình anh Phan Sĩ Nguyên, chị Phạm Thị Hường ở thị trấn Ninh (Yên Khánh) thì hiện anh chị đang điêu đứng, như “ngồi trên đống lửa”. Trang trại của anh chị có quy mô từ 150 - 200 con lợn (gồm cả lợn nái và siêu nạc), hiện đang còn trên 3 tấn lợn hơi đến kỳ xuất chuồng mà chưa bán được. Anh chị đang rất lo, bởi lẽ bán đi cũng lỗ mà nuôi thêm càng lỗ. Vài chục con lợn đã đến lứa xuất bán, để lại mỗi ngày tiêu tốn vài triệu tiền thức ăn, đó là chưa kể công chăm sóc, vệ sinh. Trong khi giá thịt lợn hơi đang rớt thê thảm, từ 65.000 đồng/kg, vài ngày giảm xuống 60.000 đồng/kg và hiện nay chỉ còn 50.000 đồng/kg mà người mua còn “chê ỏng chê eo”. Với nụ cười buồn, anh Nguyên cho biết: Những hộ chăn nuôi với quy mô trang trại như chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng cấm triệt để việc nhập các chất tạo nạc, xử lý nghiêm các đơn vị, hộ kinh doanh sử dụng chất này. Chỉ vì những người làm ăn không chân chính, hám lợi trước mắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và gây mất lòng tin cho người tiêu dùng…Trao đổi về vấn đề sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi với đồng chí Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản - Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, được biết: Ngay khi có thông tin về chất tạo nạc ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra lấy 8 mẫu (gồm 4 mẫu thức ăn và 4 mẫu thực phẩm) gửi đi phân tích, kết quả cho thấy không có chất tạo nạc ở các mẫu thức ăn và thực phẩm. Như vậy người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn. 

Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, ở những mẫu thực phẩm và thức ăn ở thời điểm lấy mẫu; chưa thể khẳng định chắc chắn hiện nay và thời gian tới trên địa bàn tỉnh không xuất hiện thịt lợn có chất tạo nạc. Phải xác định, đây là việc làm thường xuyên chứ không phải những lúc “nóng” mới kiểm soát, do vậy, thời gian tới, được Sở giao nhiệm vụ, Chi cục tiếp tục xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phối kết hợp chặt chẽ với lấy thêm các mẫu để gửi phân tích; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh, người chăn nuôi và người tiêu dùng, đảm bảo thị trường sản xuất, kinh doanh chăn nuôi an toàn và bền vững.