Theo thống kê của Dự án Mục tiêu quốc gia phòng, chống ung thư năm 2011 (Bộ Y tế), ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 150 nghìn trường hợp mắc mới các bệnh ung thư và 75 nghìn người chết vì ung thư.
Xem hình
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Nâng cao chất lượng khám, điều trị cho những người mắc bệnh ung thư; giảm tải tại các bệnh viện tuyến trung ương, thành phố... là một trong những nhiệm vụ được ngành y tế đặt lên hàng đầu trong những năm tới.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong mô hình bệnh tật thế kỷ 21, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người, chiếm tới 54% số nguyên nhân gây tử vong. Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân gây ung thư là: Ô nhiễm môi trường bởi các chất hóa học, sinh học; mất an toàn vệ sinh thực phẩm,...; ý thức người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe còn nhiều bất cập; các loại dịch bệnh luôn có nguy cơ tiềm ẩn và bùng phát; lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý và ít vận động thể lực; nhiễm vi-rút viêm gan B và vi-rút gây u nhú (HPV) qua đường tình dục; chưa chú trọng việc tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa vi-rút u nhú ở người (HPV) và vi-rút viêm gan B (HBV); kiểm soát nguy cơ các bệnh nghề nghiệp; tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời... Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày một tăng do chính những nhận thức không đúng, chính xác về bệnh ung thư, khiến người bệnh thường đến bệnh viện (BV) vào thời kỳ bệnh đang phát triển đến giai đoạn muộn. 80% số người bệnh ung thư đến khám tại các BV tuyến trên ở giai đoạn muộn, cho nên tiên lượng khám, chữa, điều trị khỏi bệnh là rất thấp và chi phí cao. Nếu phát hiện bệnh sớm, BV có những phác đồ, phương pháp điều trị giúp người bệnh kéo dài sự sống. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân làm số người được chữa khỏi bệnh ung thư còn thấp là nguồn nhân lực ngành y tế và công tác y tế dự phòng vẫn chưa đồng bộ, quyết liệt trong nhiều năm nay. Nguồn kinh phí hằng năm dành cho công tác phòng, chống ung thư còn hạn chế, cho nên việc triển khai nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư trang, thiết bị... còn gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Bệnh viện K, tiến sĩ Bùi Diệu cho biết, các căn bệnh ung thư đang là vấn đề lớn, thật sự quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bệnh viện K có nhiều giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng viên có trình độ chuyên môn sâu. Bệnh viện cũng đầu tư nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại trên thế giới, việc chẩn đoán, khám, điều trị ngày càng có hiệu quả cho nên việc khám, chữa, điều trị đã mang lại chất lượng sống ngày  một tốt hơn cho người bệnh.

Theo Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh là tuyến trên của các tỉnh phía nam chữa, điều trị các bệnh ung thư. Số lượng người bệnh đến khám, chữa, điều trị lúc nào cũng trong tình trạng "vượt ngưỡng" quá tải. Số giường thực kê của BV chỉ có 631 giường. Bình quân mỗi ngày, BV điều trị nội trú lên tới gần 2.000 người. Số người bệnh ngoại trú đã lên đến gần 10 nghìn người. Bệnh ung thư là căn bệnh phải có thời gian điều trị lâu dài. Bệnh viện đã thực hiện điều trị ngoại trú (khám ở BV, về nhà điều trị), đồng thời cử bác sĩ, chuyên viên giỏi có trình độ chuyên môn sâu, tay nghề cao về các bệnh viện tuyến tỉnh, giúp thành lập khoa ung bướu  tại các bệnh viện này để người dân có điều kiện khám và điều trị, giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hơn 30% số ca mắc các bệnh ung thư được phát hiện sớm có thể chữa và điều trị mang lại kết quả khả quan, có thể kéo dài sự sống;  40% số người bệnh chết do ung thư nếu phát hiện bệnh sớm có thể phòng, tránh được. Dự phòng và chống ung thư là biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống ung thư. Tuy nhiên, các biện pháp dự phòng mang lại hiệu quả, không tốn nhiều kinh phí lại chưa được quan tâm thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 Thực tế cho thấy, nếu tiếp tục đầu tư  vào "chữa" mà không có các giải pháp hữu hiệu để "phòng" thì công tác phòng, chống ung thư khó khả thi. Việc phòng, chống ung thư là một việc lớn cần sự giúp đỡ của Ðảng, Chính phủ, Bộ Y tế; các cấp, các ngành có liên quan, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực phòng, chống ung thư. Trong thời gian tới, ngành y tế cần tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong việc phòng, chống tác hại thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia; các văn bản hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý, thể dục thể thao, tiêm phòng, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Tuyên truyền phòng, chống bệnh ung thư; nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh của cộng đồng;  nâng cao nhận thức về bệnh ung thư: cách phòng, phát hiện và đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm; tăng cường các biện pháp sàng lọc, phát hiện bệnh sớm; phát triển nghiên cứu khoa học, đào tạo các bác sĩ chuyên ngành ung thư; tăng cường đội ngũ cán bộ y tế, và thực hiện tốt chương trình Dự án Mục tiêu quốc gia phòng, chống ung thư nhằm thực hiện mục tiêu một phần ba số người có thể dự phòng căn bệnh này, một phần ba số người mắc bệnh ung thư có thể chữa và điều trị nếu được phát hiện sớm.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với 7,6 triệu ca tử vong trong năm 2005. Số ca tử vong do ung thư trên thế giới được dự báo sẽ tăng lên hơn 11 triệu ca trong năm 2030. Hơn 70% số các ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo thống kê của Dự án Mục tiêu quốc gia phòng, chống ung thư:

Ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 150 nghìn trường hợp  mắc mới các bệnh ung thư và 75 nghìn người chết vì ung thư, cao gấp bảy lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Dự báo, từ nay đến năm 2020 mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200 nghìn trường hợp mắc mới bệnh ung thư và 100 nghìn trường hợp chết do ung thư.