HIV/AIDS vẫn là một trong những thách thức y tế công cộng quan trọng nhất trên thế giới, đặc biệt là tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Nhờ các tiến bộ gần đây trong việc tiếp cận với liệu pháp kháng retrovirus (ART), hiện nay, những người nhiễm HIV sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Vào cuối năm 2010, khoảng 6,65 triệu người ở các nước có thu nhập trung bình và thấp đã được nhận ART. Tuy nhiên, hơn 7 triệu người cần ART vẫn chưa tiếp cận được thuốc điều trị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) làm việc với các quốc gia thành viên để giúp họ mở rộng quy mô và cung ứng các dịch vụ toàn diện để giảm thiểu sự lây lan cũng như giảm tác hại của bệnh.

Dưới đây là thực trạng về căn bệnh này, cũng như biện pháp phòng bệnh và điều trị.

1. HIV nhiễm vào các tế bào của hệ miễn dịch

Nhiễm HIV dẫn đến làm suy giảm hệ thống miễn dịch, giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật của cơ thể. Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là giai đoạn muộn nhất của nhiễm HIV, được xác định bởi sự xuất hiện của 1 trong số hơn 20 nhiễm trùng cơ hội hay các bệnh ung thư liên quan.

2. HIV có thể lây truyền theo nhiều cách khác nhau, đó là:

- Quan hệ tình dục không an toàn (qua âm đạo hay hậu môn) hay quan hệ tình dục đường miệng với người nhiễm HIV;

- Truyền máu bị nhiễm HIV;

- Dùng chung bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác với người có HIV;

- Lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh đẻ và cho con bú.3. Trên thế giới có 34 triệu người sống chung với HIV/AIDS

Đại đa số những người này ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Ước tính có khoảng 2,7 triệu người mới nhiễm HIV trong năm 2010.

4. HIV/AIDS là tác nhân gây tử vong do lây nhiễm hàng đầu thế giới

Cho đến nay, đã có khoảng 30 triệu người chết do HIV/AIDS. Ước tính khoảng 1,8 triệu người chết mỗi năm do HIV/AIDS.

5. Kết hợp ART giúp ngăn chặn HIV nhân lên trong cơ thể

Nếu làm ngừng được sự nhân lên của HIV thì các tế bào miễn dịch của cơ thể người có thể sống lâu hơn và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng.

6. Tính đến hết năm 2010, khoảng 6,65 triệu người nhiễm HIV đã được tiếp cận với ART tại các nước có thu nhập trung bình và thấp

Con số này đã tăng gấp 16 lần so với năm 2003. Tính đến hết năm 2010, nhìn chung, khả năng tiếp cận ART tại các nước có thu nhập trung bình và thấp tiếp tục tăng lên và 47% trong số 14,2 triệu người cần được điều trị.

7. Ước tính khoảng 3,4 triệu trẻ em đang sống chung với HIV/AIDS

Theo thống kê năm 2010, hầu hết những trẻ em này sống ở vùng châu Phi cận Sahara và bị nhiễm từ các bà mẹ HIV(+) trong quá trình sinh nở, mang thai hay cho con bú. Gần 1.100 trẻ bị nhiễm HIV mới mỗi ngày. Số lượng trẻ được dùng ART tăng từ khoảng 75.000 (năm 2005) đến 456.000 (năm 2010).

8. Lây truyền từ mẹ sang con gần như có thể tránh được hoàn toàn

Tuy nhiên, tại hầu hết các nước có thu nhập trung bình và thấp thì việc tiếp cận với các can thiệp phòng ngừa vẫn còn hạn chế, tuy nhiên đã có những tiến bộ rõ rệt. Trong năm 2010, 48% phụ nữ mang thai sống chung với HIV đã được dùng phác đồ điều trị hiệu quả nhất (theo khuyến nghị của WHO) để ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con.

9. HIV là yếu tố nguy cơ lớn nhất cho sự phát triển bệnh lao

Trong năm 2010, trong số 1,8 triệu người sống chung với HIV, có hơn 350.000 người tử vong do bệnh lao. 82% những người đồng nhiễm HIV - lao sống tại vùng châu Phi cận Sahara.

10. Một số biện pháp chính để ngăn chặn sự lây nhiễm HIV gồm: 

- Thực hiện các hành vi tình dục an toàn,chẳng hạn như sử dụng bao cao su;

- Làm xét nghiệm và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV;

- Tránh tiêm chích ma túy, hoặc nếu đã nghiện chách ma túy thì phải luôn luôn sử dụng bơm kim tiêm mới và dùng một lần;

- Đảm bảo bất kỳ sản phẩm máu nào đưa vào sử dụng đã được xét nghiệm HIV.