Ngày 24/8/2012, tại Hà Nội, Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Cuộc họp về một số giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với một số tỉnh có tỷ lệ người tham gia BHYT thấp và góp ý dự thảo xây dựng Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.
Xem hình
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo; lãnh đạo Vụ BHYT, Bộ Y tế; Sở Y tế, BHXH, BHYT của 16 tỉnh trên toàn quốc có tỷ lệ người tham gia BHYT thấp cùng đại diện một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Sau gần 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và 3 năm Luật BHYT có hiệu lực, BHYT đã bao phủ 63,7% dân số, trong đó người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, năm 2010 tỷ lệ người tham gia BHYT trong cả nước chỉ tăng thêm 1,8% so với năm 2009; năm 2011 tăng thêm 3,7% so với năm 2010.

Lý giải về khó khăn trên, một số đại biểu cho rằng: vẫn còn thiếu những chỉ đạo cụ thể của các cấp chính quyền, sự tham gia chủ động và tích cực của các Hội, Đoàn thể, Công đoàn trong công tác BHYT. Ngoài ra, sự tuân thủ pháp luật về tham gia BHYT của một số nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT chưa nghiêm; chính sách đối với người cận nghèo còn một số bất cập. Vì vậy, việc thực hiện, triển khai BHYT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Một số giải pháp chung được đề xuất trong cuộc họp, gồm xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT; có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia vào của hệ thống chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT; nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT; đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 do Vụ BHYT, Bộ Y tế soạn thảo, để có thể hoàn thiện Đề án trình Bộ  Y tế phê duyệt.