Sáng 25/6/2012, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Kế hoạch hành động Dự án Vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế; ông Lê Thiếu Sơn, Giám đốc Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và đại diện một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc BộY tế.

 

Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch VSMTNT giai đoạn 2011-2015 là nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn thông qua cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mục tiêu cụ thể của Dự án là đảm bảo đến năm 2015, 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế xã có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của đại diện các tổ chức, các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Các ý kiến đều thống nhất là dự án phải bám sát vào mục tiêu cụ thể của từng hoạt động, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động phù hợp với mục tiêu đề ra. Chuyên gia tư vấn nên có cuộc khảo sát thực trạng về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trước khi xây dựng dự án. Các hoạt động của Dự án cần được đánh giá, so sánh  trước và sau can thiệp, để rút ra được ưu điểm và nhược điểm của chương trình. Sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, Ban ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế là hết sức cần thiết nhằm tránh tình trạng chồng chéo, bất cập xảy ra, nhưng vẫn đảm bảo đầu mối Bộ Y tế thực hiện chương trình này. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu và thay đổi hành vi, thông qua nhân rộng mô hình truyền thông tại cộng đồng, thiết kế sản xuất các sản phẩm truyền thông, tổ chức truyền thông trên hệ thống phát thanh và báo chí. Các ý kiến đóng góp đã được Cục Quản lý môi trường tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động.


Tác giả: Trung tâm TTGDSK