Sau hơn hai năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" (Đề án 1816) đã đạt những kết quả cả về khía cạnh chuyên môn cùng các yếu tố kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để đề án tiếp tục triển khai trong những năm tới một cách hài hòa hơn.
Xem hình

Đạt cả ba mục tiêu

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau hơn hai năm triển khai Đề án 1816 cơ bản đạt được ba mục tiêu đã đề ra: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; Chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. Kết quả triển khai cho thấy, đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt. Các bác sĩ tuyến trên về trực tiếp khám, chữa bệnh cho hơn 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống kịp thời hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo... Thông qua việc thực hiện đề án, cũng đã giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh địa phương nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn của cán bộ luân phiên thực hiện, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế địa phương. Hơn hai nghìn lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức thu hút hơn 52 nghìn lượt cán bộ y tế địa phương tham gia... Ngoài các chuyên ngành: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, y học cổ truyền, tâm thần, truyền nhiễm, lao, ung bướu, nội tiết, huyết học - truyền máu, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh... một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế xét nghiệm... Qua đó góp phần giảm tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên không phù hợp, nhất là lên các bệnh viện tuyến trung ương, trung bình khoảng 30%. Có thể nói, việc thực hiện Đề án 1816 đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần giúp cho người dân ở các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp nhất, không phải tốn kém về thành phố để khám, chữa bệnh.

Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, bố trí cán bộ nhận chuyển giao kỹ thuật, nhiều đơn vị bố trí nơi ăn ở cho cán bộ đi luân phiên chu đáo, ngoài ra còn hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ đến luân phiên. Nhờ đó hợp đồng ký kết giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện tốt và hầu hết cán bộ y tế đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được địa phương khen thưởng... Đến nay, 47/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai luân phiên cán bộ từ bệnh viện tỉnh xuống hỗ trợ bệnh viện huyện. Các tỉnh, thành phố tổ chức tốt luân phiên trong nội bộ tỉnh là Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Thừa Thiên-Huế, Yên Bái, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Bến Tre...

Ngoài ra, cán bộ y tế đi luân phiên đã hướng dẫn và đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị y tế tiên tiến đã được trang bị nhưng chưa được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm lãng phí cho các cơ sở y tế. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới, cán bộ đi luân phiên học tập thêm những kiến thức về chuyên môn cũng như quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho cán bộ đi luân phiên. Nhờ trình độ chuyên môn, năng lực cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao, nhiều bệnh tật được phát hiện sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời đã giúp giảm chi phí của người bệnh cho việc điều trị và chi phí của các cơ sở y tế cho việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Gắn hỗ trợ tuyến dưới với nghĩa vụ của cán bộ y tế

Khi thực hiện Đề án 1816, các bệnh viện đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, nhiều mô hình hay và giải pháp phù hợp được triển khai áp dụng, như: mô hình đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới trong quá trình thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy; Mô hình chuyển giao kỹ thuật trong thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Việt - Đức theo hình thức ký hợp đồng ba bên; Mô hình phối kết hợp, lồng ghép công tác đào tạo, công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 của Sở Y tế Hòa Bình đã đem lại hiệu quả cao, được Bộ Y tế và tổ chức JICA Nhật Bản ghi nhận. Mô hình này đang được nghiên cứu nhân rộng ra các tỉnh miền núi phía bắc...

Kết quả của Đề án 1816 là sự thể hiện truyền thống văn hóa và bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là tinh thần tương thần tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tình cảm đồng nghiệp hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Thực hiện Đề án 1816 là góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội. Đề án 1816 có ý nghĩa xã hội và mang tính nhân văn cao cả. Trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục triển khai Đề án 1816 trong nhiều năm tới, đó cũng là việc thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế. Bộ Y tế sẽ cùng các ngành, địa phương tháo gỡ những vướng mắc, bất hợp lý để duy trì tính bền vững của việc cử cán bộ từ trung ương luân phiên hỗ trợ địa phương. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện luân phiên cán bộ từ tỉnh xuống hỗ trợ các bệnh viện huyện, đưa bác sĩ từ huyện xuống khám chữa bệnh tại xã. Đáng chú ý, các bệnh viện tuyến trên cần thực hiện tốt việc khảo sát đánh giá xác định nhu cầu tuyến dưới, xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật, phát hiện nhu cầu nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật.