Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn tập trung, nghĩa là số người nhiễm HIV được phát hiện vẫn chủ yếu thuộc các nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, bán dâm

Theo các số liệu ước tính và dự báo tình hình dịch ở Việt Nam, đến năm 2015, thì  tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn là đường lây nhiễm HIV chủ yếu tại Việt Nam. Kết quả giám sát trọng điểm năm 2010 cho thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV nhóm tiêm chích ma túy tuy đã giảm  nhưng vẫn còn khá cao ở mức 17,2%, tỷ lệ nhiễm trong nhóm phụ nữ bán dâm là 4,6%, tỷ lệ nhiễm trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam tại các thành phố lớn là 14-16%. Bên cạnh những thành công đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua,  chúng ta vẫn còn phải đương đầu với không ít khó khăn và thách thức.

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp trên diện rộng. Kết quả Giám sát trọng điểm năm 2010 cho thấy: tỷ lệ hiện nhiễm HIV được phát hiện trong nhóm tiêm chích ma túy vẫn còn cao (17,5%), tỷ lệ này trong nhóm phụ nữ bán dâm tại một số tỉnh thành phố cũng rất cao như Hà Nội (18%), Cần Thơ, Lạng Sơn (13,3%), Đồng Nai (10%), thành phố Hồ Chí Minh (8,8%). Đây là một trong những nguồn có nguy cơ rất cao trong việc làm lây nhiễm HIV trong chính những nhóm đối tượng này và từ họ ra cộng đồng.

Trong tình hình dịch như vậy, nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, một số cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… chưa thật sự được chú trọng. Công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa thực sự được coi là một nhiệm thường xuyên, vừa cấp bách vừa lâu dài, vẫn chưa được đưa vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội như quy định của Chính phủ.

Về chuyên môn nghiệp vụ cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc. Chúng ta đã áp dụng các thực hành tốt nhất trên thế giới và khu vực về cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, nhưng do thiếu nguồn lực nên độ bao phủ còn hạn chế, trong đó một số hoạt động mới qua giai đoạn thí điểm (như điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện), mặt khác chất lượng của các dịch vụ cũng rất cần được nâng cao…

Mức đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS, do phải bao phủ nhiều nội dung, phải đảm bảo các chỉ tiêu pháp lệnh như truyền máu, giám sát, phòng chống HIV/AIDS tuyến xã phường, kinh phí bị dàn trải ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, khi Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo, nguồn kinh phí tài trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đầu tư để đảm bảo tính ổn định, bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Về hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, huyệnmới được thành lập còn nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, trụ sở làm việc cần phải đầu tư nhiều thời gian và kinh phí kiện toàn hệ thống đủ mạnh để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghịkiểm điểm công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch hành động 6 tháng cuối năm 2011 được Uỷ ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua,  TS. Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh đến một số vấn đề:

 Một là,tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp trong việc quan tâm đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hai là,tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn như: Xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030; Nghị định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Ba là,tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, can thiệp giảm tác hại, tăng cường phối hợp liên ngành và tăng cường độ bao phủ và chất lượng các hoạt động chuyên môn kỹ thuật như điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.Tiếp tục triển khai mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” và thực hiện kế hoạch 2011 đã được phê duyệt, đẩy mạnh việc triển khai các chương trình hành động, hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK