"Nhờ có Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) DS-KHHGĐ mà chúng ta đã đạt được những thành tựu rất tốt đẹp, được thể hiện qua kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009"
Xem hình
Chương trình Mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ góp phần tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ, gi

TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế nhấn mạnh như vậy về tầm quan trọng của CTMTQG đối với sự nghiệp DS-KHHGĐ.

Kết quả giảm sinh phục vụ xoá đói, giảm nghèo

Xin ông cho biết cụ thể những kết quả mà công tác DS-KHHGĐ đạt được nhờ có CTMTQG?

- Hiệu quả đầu tiên thấy rõ nhất là quy mô dân số nước ta là 85,8 triệu người; mỗi năm Việt Nam tăng thêm 952 nghìn người. Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giai đoạn này tăng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó; Tỉ lệ gia tăng dân số trung bình hàng năm đã giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999 - 2009), đây là mức giảm sinh lớn nhất và tỉ lệ gia tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm xuống còn 2,03 con và đạt dưới mức sinh thay thế.

Kết quả giảm sinh sẽ tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Theo kinh nghiệm của quốc tế được UNFPA công bố, (nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội). Các khoản tiết kiệm này sẽ tiếp tục gia tăng nếu đầu tư nâng cao chất lượng dân số.

Như vậy là nhờ CTMTQG, chúng ta đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Vậy chúng ta có cần thiết phải tiếp tục đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ nữa hay không, tại sao lại phải đầu tư thưa ông?

- Trong thế kỷ 20, nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á đã thực hiện thành công chương trình DS-KHHGĐ và đạt mức sinh thay thế từ rất sớm như: Nhật Bản (từ những năm 1960-1965); Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore (1976-1986); Thái Lan (1994); Trung Quốc (1998)... Sau khi kiềm chế được tốc độ gia tăng dân số quá nhanh thì nền kinh tế của hầu hết những nước này đều "cất cánh" và trở thành những "con rồng" của châu Á. Và khi đã đạt mức sinh thay thế, các nước này không giảm mà vẫn tiếp tục tăng mức đầu tư cho chương trình dân số.

Việt Nam tuy đã đạt mức sinh thay thế, nhưng công tác dân số lại xuất hiện những vấn đề mới và còn nhiều thách thức. Tuy đã đạt mức sinh thay thế, nhưng do phong tục tập quán, tư tưởng nho giáo muốn có đông con, phải có con trai nối dõi còn rất nặng nề của người dân trong xã hội nông nghiệp (dân số nông thôn chiếm tới 70,4%) nên mức sinh có thể tăng trở lại bất cứ lúc nào.

Cùng đó là số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang tiếp tục tăng nhanh, sẽ đạt cực đại vào năm 2020 - 2025 và do đó dù đã đạt mức sinh thay thế nhưng dân số nước ta vẫn cứ tiếp tục gia tăng trong khoảng 30 năm nữa. Đến nay vẫn còn 28/63 tỉnh (chiếm 34,4% dân số cả nước) chưa đạt mức sinh thay thế. Nếu các cấp uỷ đảng, chính quyền chỉ một chút lơ là, chủ quan, thỏa mãn, thì mức sinh sẽ rất dễ tăng trở lại.

Một vấn đề mới xuất hiện trong công tác dân số là tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS - số trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái) đã tăng nhanh một cách bất thường. Tỷ số này bình thường dao động trong khoảng từ 103 - 106; qua 3 cuộc Tổng điều tra dân số trước đây, đã tăng từ 105 (1979) lên 106 (1989) và 107 (1999) và từ năm 2006 đến nay, TSGTKS tăng cao và nhanh liên tục, từ 110 (2006) lên 111(2007) và 112 (2008).

Các chuyên gia quốc tế đã nhận xét, TSGTKS tăng ở những nước có nền văn hóa tương đồng (ưa thích sinh con trai hơn con gái) như Việt Nam nhưng chưa có nước nào lại có tốc độ gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp như ở nước ta. Nếu không có giải pháp tích cực, sự mất cân bằng giới tính này sẽ để lại những hệ lụy nặng nề, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai và tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội.

Việt Nam cũng đang bắt đầu đối mặt với những thách thức của vấn đề già hóa dân số. Trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ thì Việt Nam chỉ mất có 3 năm (từ 2005 - 2008) đã chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Chính vì thế mà chúng ta chưa kịp chuẩn bị cho việc thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, nhất là chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi. Các nhà khoa học đã tính toán, nếu việc chăm sóc sức khỏe cho một đứa trẻ chỉ tốn 1 đồng thì việc chăm sóc một người cao tuổi phải cần tới 8 đồng.

Cùng đồng hành với những thách thức trên là chất lượng dân số nước ta còn thấp. Chỉ số phát triển con người tuy đạt mức trung bình là 0,725 điểm, nhưng thứ bậc xếp hạng hầu như không đổi (116 trong số 182 nước). Tuổi thọ bình quân là 72,8 tuổi, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh rất thấp, chỉ 66 tuổi. Tỷ số chết mẹ, tỷ suất chết sơ sinh, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn khá cao và có sự cách biệt giữa các vùng miền. Tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao. Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền có xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn trong việc dự phòng và điều trị sớm một số bệnh thì tỷ lệ này có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao và để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Các nước trên thế giới đã tiến hành sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh (thực chất là phát hiện, điều trị sớm các bệnh, tật ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh) để nâng cao chất lượng giống nòi từ cách đây trên 50 năm nhưng Việt Nam mới bắt đầu thử nghiệm được 3 năm.

Tìm khách hàng mà phục vụ

Hiện nay, Dân số đã nằm trong ngành Y tế, vậy theo ông có cần thiết phải là một CTMTQG hay chỉ nên là một dự án thuộc CTMTQG về y tế?

- Công tác DS-KHHGĐ liên quan nhiều đến y tế, ví dụ như các biện pháp tránh thai, triệt sản... Đến nay, để nâng cao chất lượng giống nòi cũng liên quan đến y tế, ví dụ như khám, phát hiện, điều trị bệnh, tật sớm của thai nhi, trẻ sơ sinh,... nhưng hoàn toàn không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần. Kế hoạch hóa gia đình không phải là "bệnh", những người đi thực hiện kế hoạch hóa gia đình không phải là bệnh nhân.

Trước khi làm công tác dân số, tôi cũng là một bác sĩ lâm sàng nên tôi hiểu rõ điều đó. Y tế "đợi" khách hàng đến để phục vụ mà ngay cả việc "đợi" trong hoàn cảnh hiện nay, công việc của các bác sĩ cũng đã quá tải lắm rồi nhưng dân số phải "tìm" khách hàng để mà phục vụ. Để có được một trường hợp chấp nhận đặt vòng, triệt sản,... cộng tác viên dân số đã phải đi năm lần bảy lượt tuyên truyền vận động, rỉ tai to nhỏ không những đối với người phụ nữ mà với người chồng và cả với bố mẹ chồng họ nữa thì họ mới chấp nhận các biện pháp tránh thai. 

Để khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta lại càng không thể dùng các biện pháp hành chính để bắt buộc, cưỡng chế được. Nói một cách khác, để làm công tác dân số phải có cách nghĩ, cách làm, cách tư duy mang tính đặc thù mà Đảng ta đã khẳng định đó là một cuộc vận động lớn. Cuộc vận động ấy phải tiến hành thường xuyên liên tục, lâu dài và bền bỉ nhất là đối với nước ta đi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp, xuất phát điểm còn thấp, tư tưởng phong kiến, nho giáo còn khá nặng nề.

Công tác DS-KHHGĐ đòi hỏi cần có sự phối hợp liên ngành và cần có một vị thế để triển khai thực hiện. Sở dĩ công tác DS-KHHGĐ đạt được thành công tốt đẹp như trong thời gian qua là vì có sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia của các ban ngành đoàn thể với tinh thần "không để một tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài cuộc vận động này" như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đã đề ra.

Hiện nay, sự nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cũng như của người dân chưa đầy đủ và thống nhất. Năm 2007-2008, khi giải thể Ủy ban dân số, Gia đình, Trẻ em, nhiều địa phương đã hiểu như "giải tán" công tác dân số và người dân thì cho rằng Nhà nước thôi không quan tâm tới công tác dân số nữa, cứ việc đẻ thoải mái! Vì vậy, nếu như DS-KHHGĐ không còn là CTMTQG mà chỉ còn là một dự án nằm trong CTMTQG thuộc ngành y tế thì sẽ dễ dẫn tới khoán trắng cho ngành y tế. Như vậy sẽ hiểu sai về chủ trương, đường lối của Đảng là coi công tác DS-KHHGĐ không còn là mục tiêu của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương nữa.

Vậy Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng CTMTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 chưa? Xin ông cho biết những căn cứ để Tổng cục DS-KHHGĐ xây dựng CTMTQG này?

- Tổng cục DS-KHHGĐ đã có báo cáo về đánh giá thực hiện CTMTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2006 - 2010. Đồng thời cũng đã xây dựng CTMTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 trình Bộ Y tế để trình Chính phủ.

Khi xây dựng CTMTQG 2011 - 2015, Tổng cục DS-KHHGĐ đã căn cứ vào nội dung của Nghị quyết số 47/NQ-TW ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Kết luận số 44-KL/TW ngày 1/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính DS-KHHGĐ"; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 18/8/2010 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ giai đoạn 2010-2015 thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 vào tháng 9 năm 2010.

Chúng tôi cũng căn cứ vào Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 vào quý II năm 2010.

Và một trong những căn cứ hết sức quan trọng nữa mà Tổng cục DS-KHHGĐ không thể không nhắc đến, đó chính là Cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển (ICPD cairo 1994); Cam kết của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Chúng tôi cũng mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 sớm được Quốc hội, Chính phủ thông qua để tạo một bước tiến mới về công tác dân số.

Trân trọng cảm ơn ông.

(Hà Thư Thực hiện)

 

 

 

Trong 20 năm qua, từ các nguồn ngân sách (Trung ương, địa phương, vốn vay, viện trợ) Việt Nam đã đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ 8.400 tỷ đồng.

 

 

 

 

 

Hai mươi năm trước đây, dân số Philippines ít hơn Việt Nam 5,3 triệu người, hiện nay dân số của họ hơn ta là 7,1 triệu người.

 

 

 

 

 

Như vậy, nếu so sánh với Philippiaes, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã "tránh sinh" được 12,4 triệu người và qua đó chúng ta thấy rõ được hiệu quả của việc đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

 

 


TS Dương Quốc Trọng,Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Bộ Y tế

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Hà Thư