Ngày 26/10, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức họp báo công bố báo cáo về tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Báo cáo phân tích định lượng của UNFPA dựa trên số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở nước ta năm 2009 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh không đều trên các vùng lãnh thổ và giữa các nhóm dân cư. Tỷ số trung bình cả nước là 100 bé gái/110,5 bé trai. Cụ thể, chênh lệch cao nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ 100 bé gái/115 bé trai và thấp nhất là khu vực Tây Nguyên với tỷ số tương đối cân bằng.

Cũng theo báo cáo của UNFPA, trình độ học vấn của người mẹ có liên quan tới tỷ số giới tính khi sinh. Trong đó, nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn thì tỷ số giới tính khi sinh là 100 bé gái/107,1 bé trai; nhóm trình độ cao đẳng, đại học trở lên thì 100 bé gái/113,9 bé trai. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tùy thuộc vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình và số lượng con. Nhóm dân số nghèo nhất thường có tỷ số giới tính khi sinh rất gần với mức bình thường, nhóm dân số giàu thì tỷ số giới tính khi sinh là 100 bé gái/112 bé trai.

Phát biểu tại buổi họp, ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, hiện nay, đang có nhiều chính sách để can thiệp nhằm giải quyết sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam. Theo phân tích của các chuyên gia phải phải có thời gian và phải kết hợp nhiều biện pháp can thiệp.  

Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng nhận định,sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tác động lên cơ cấu giới tính dân số trong tương lai và chắc chắn dẫn tới hiện tượng thừa nam giớiở nước ta.

Bà Urmila Singh, Phó trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng đánh giá, Việt Nam “đang đi đúng hướng” trong nỗ lực kiềm chế xu hướng tăng tỷ lệ chênh lệch giới tính. Trong đó, phải kể đến những biện pháp giảm chênh lệch tỷ số giới tính đang được triển khai ở 10 địa phương tại Việt Nam  từ cuối năm 2009.

 

 

Tác giả: Trà Giang