Đây là đánh giá chung của Hội đồng thẩm định về "Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện, tuyến xã" do Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện.
Xem hình

Tại buổi nghiệm thu ngày 8/3, tất cả các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với báo cáo đánh giá và nhận định: Mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và cán bộ dân số xã trực thuộc Trung tâm, được biệt phái về làm việc tại xã, là phù hợp trên các bằng chứng khoa học và khách quan.


Tăng thêm sức mạnh cơ sở


Với những bằng chứng thu thập được từ cuộc khảo sát với đầy đủ cả phương pháp định lượng (phiếu hỏi) và định tính (tổ chức 22 cuộc hội thảo), Tổng cục DS-KHHGĐ đã nhận được hàng nghìn ý kiến quan tâm đến bộ máy tổ chức của công tác dân số tại tuyến huyện và xã.


Theo các ý kiến của đa số lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, xã và của những người làm công tác DS-KHHGĐ cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã thì bộ máy tổ chức của ngành dân số hiện nay ở tuyến huyện, xã vẫn chưa thống nhất về hình thức quản lý. Các đồng chí Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố đều chung một nhận định: Trung tâm thuộc Chi cục thì chỉ đạo ngành dọc mạnh, nhưng để công tác dân số mạnh lên thì nên chuyển về thuộc huyện để thuận lợi về tham mưu.


Ý kiến của lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh Thái Bình, Cao Bằng, Phú Yên, Hậu Giang… đều phản ánh thực trạng là Trung tâm thuộc Chi cục thì tại các cuộc họp của huyện, Giám đốc Trung tâm không được tham gia nên không được tham mưu trực tiếp, không có ý kiến được với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có một tâm lý chung là Trung tâm thuộc Chi cục thì đối với huyện chỉ là “con nuôi”, “đơn vị cấp 3” nên không được quan tâm như trước về chỉ đạo, kinh phí. Các ý kiến đều cho rằng khi Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc huyện thì được quan tâm hơn rõ rệt cả về kinh phí, sự chỉ đạo, phối hợp ban ngành nên công tác dân số mạnh lên.


Kết quả tổng hợp từ gần 9.000 phiếu khảo sát của lãnh đạo UBND, Chi cục DS-KHHGĐ, Trung tâm DS-KHHGĐ… ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã của 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy, đa số các địa phương mong muốn đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện cho phù hợp với công tác tuyên truyền vận động, có sự chỉ đạo sát sao của UBND.

Ông Lương Thế Khanh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, có tới 81% ý kiến cho rằng mô hình này là thuận lợi. Trong đó, 96% cho rằng thuận lợi cho vấn đề phối hợp với các ban ngành và 94% cho rằng thuận lợi cho việc lồng ghép các hoạt động DS-KHHGĐ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Mô hình cán bộ dân số xã thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ được biệt phái công tác tại UBND xã được đa số cán bộ hỏi ý kiến cho là hợp lý với 89%, trong đó tỷ lệ cán bộ cấp tỉnh,huyện ủng hộ mô hình này lên tới 94%.


Đánh giá khoa học  và khách quan


Tại buổi nghiệm thu, các thành viên của Hội đồng thẩm định đều nhận xét: Báo cáo đánh giá “Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện, tuyến xã” có phương pháp khảo sát rõ ràng, khoa học, nguồn số liệu đáng tin cậy.


Với chức danh phản biện 1 trong Hội đồng thẩm định, ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đánh giá phương pháp thực hiện của báo cáo là khoa học và phù hợp. “Báo cáo có nội dung tốt, số liệu phong phú, đầy đủ, khoa học. Đây là bằng chứng khoa học để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, đề xuất với cấp có thẩm quyền lựa chọn ban hành chính sách xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tuyến huyện và tuyến xã phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước” – ông Hưng nói.


Đứng trên quan điểm của cơ quan quản lý về tổ chức bộ máy, đồng thời là phản biện 2 của Hội đồng, bà Lại Thị Thanh Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ đánh giá báo cáo được nghiên cứu, xây dựng công phu, nghiêm túc, có tác dụng tốt phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong giai đoạn tới. Bà Thanh Xuân nhấn mạnh: “Với kinh nghiệm của người được phân công theo dõi tổ chức và hoạt động của ngành y tế, trong đó có ngành dân số, tôi đánh giá cao chất lượng Báo cáo khảo sát này và nhất trí thông qua; đặc biệt ủng hộ các khuyến nghị trong Báo cáo đưa ra. Những khuyến nghị này cũng phù hợp với những quan sát của chúng tôi khi đi khảo sát tại cơ sở”.


Các thành viên khác của Hội đồng thẩm định cũng nhất trí và đánh giá cao phương pháp và kết quả của Báo cáo, đồng thời cũng đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện bản báo cáo. TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao bản Báo cáo này: Đây là việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, tất cả các đề xuất đều trên cơ sở có nghiên cứu, số liệu, bằng chứng rõ ràng, thuyết phục. Báo cáo đã xây dựng xuyên suốt từ mục tiêu ra được đối tượng, phương pháp và kết quả nghiên cứu phù hợp; từ đó có kết luận, kiến nghị dựa trên bằng chứng của các kết quả đã được nghiên cứu. Các phản biện và nhận xét đều thống nhất về sự phù hợp, khách quan và khoa học của các bằng chứng được đưa ra.


“Gần 9.000 phiếu thu thập được là một số mẫu rất lớn, rất thuyết phục đối với những người làm nghiên cứu khoa học. Nội dung của Báo cáo tốt, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị xây dựng bộ máy mới” – TS Dương Quốc Trọng nhấn mạnh.