Kết quả Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam lần đầu tiên được công bố sẽ là một cơ sở quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách cho người cao tuổi Việt Nam. Ngày 4/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Viện nghiên cứu Y – Xã hội học và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương tổ chức hội thảo công bố kết quả “Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam” (VNAS).

VNAS thu thập số liệu từ tháng 10 - 12/2011 tại 12 tỉnh, thành phố đại điện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam (bao gồm Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh).

Hơn 4.000 người đại diện cho nhóm dân số cận cao tuổi và cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên) đã  được phỏng vấn trong cuộc điều tra này.

Số liệu điều tra mô tả các đặc điểm kinh tế, xã hội, tình hình sức khỏe, xu hướng bệnh tật, đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu chăm sóc và được chăm sóc cũng như việc tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội và dịch vụ y tế của người cao tuổi Việt Nam.

Tỷ lệ người cao tuổi bị đối xử không tốt (bị nói nặng, bị từ chối nói chuyện, bị đánh đập hoặc đe dọa) không cao nhưng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân số. Tỷ lệ người cao tuổi sống trong nhà tạm còn khoảng 7% và đang có chiều hướng gia tăng, khoảng 14% người cao tuổi đang sống trong hộ nghèo. 

Hiện tượng nữ hóa dân số  người cao tuổi ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ; xu hướng người già ít sống với con cháu trở nên phổ biến, là thách thức đối với công tác chăm sóc người cao tuổi hiện nay.

Cũng theo nghiên cứu, có tới trên 50% số người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng tình trạng sức khỏe hiện tại là yếu hoặc rất yếu, gần 50% trong số họ không đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ y tế.

Mặt khác, chỉ có 50% người cao tuổi biết đến quyền được hưởng trợ cấp hoặc mừng thọ, còn các quyền lợi khác thì tỷ lệ người cao tuổi biết rõ còn khá khiêm tốn.

Người cao tuổi được gia đình và xã hội tôn trọng và có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, các thống kê và nghiên cứu gần đây cho thấy người cao tuổi vẫn thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và nghèo nhất.

Chăm sóc người cao tuổi không phải là vấn đề mới ở các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam mới chỉ là bước đầu và hoạt động này còn gặp không ít khó khăn.

Vì vậy, xây dựng hệ thống số dữ liệu, số liệu có tính đại diện quốc gia hết sức quan trọng đối với việc nghiên cứu sâu tình hình đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người cao tuổi để từ đó đề xuất và thực hiện các chính sách thích hợp với quá trình già hóa dân số và cải thiện cuộc sống cho người cao tuổi.