Theo Báo cáo tổng hợp về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 7.300 trẻ em và người chưa thành niên bị tử vong do tai nạn thương tích. Có nhiều nguyên nhân được xác định như đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc... Kể từ khi thực hiện chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích, Việt Nam đạt được một số kết quả trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích trẻ em đến nay vẫn chưa giảm. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh sự can thiệp mạnh mẽ của các bộ, ngành và địa phương còn cần có sự đồng thuận và trợ giúp cho các bậc cha mẹ và gia đình.
Xem hình
Ảnh minh họa

Theo báo cáo toàn cầu về tai nạn thương tích trẻ em của UNICEF, trong 5 năm qua, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Còn tại Việt Nam, trong 6 năm (2004 - 2010), trung bình mỗi năm có khoảng hơn 7.300 trẻ em và vị thành niên (từ 0-19 tuổi) tử vong vì tai nạn thương tích, bìnhquân mỗi ngày có hơn 20 trẻ tử vong và số trẻ bị tai nạn thương tích năm sau thường cao hơn năm trước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, khác nhau theo  độ tuổi, giới tính. Ví dụ, đuối nước là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ độ tuổi 1-15 trong khi thương tích do tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở vị thành niên từ 15-18 tuổi. Ngộ độc, bỏng, ngã, động vật cắn là những nguyên nhân hàng thứ ba gây tử vong. Ngoài ra, ở những vùng còn tồn dư nhiều bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, có nhiều trường hợp thương tích nghiêm trọng do bom mìn. Trẻ em trai thường gặp thương tích nhiều hơn trẻ em gái, đặc biệt là thương tích do tai nạn giao thông.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết trẻ tử vong do đuối nước đều dưới 5 tuổi và thường do bị ngã xuống nướctừ trên nhà, trên thuyền hoặc cầu tàu, còn tại các tỉnh miền Trung, hầu hết trẻ bị đuối nước trên 6 tuổi khi đang chơi gần hoặc trong hồ hay suối sâu, hoặc khi đi chăn trâu bò. Ở Hải Phòng, đuối nước ở trẻ 0-4 tuổi xảy ra quanh năm trong khi đuối nước ở trẻ 6-13 tuổi chủ yếu xảy ra vào mùa hè khi trẻ được nghỉ hè và chơi ở các ao, hồ gần nhà. Năm 2010, tại tỉnh Nam Định, trong tổng số trẻ em bị tai nạn thương tích thì có trên 60% tai nạn là do đuối nước. Nam Định là tỉnh thuộc vùng chiêm trũng của đồng bằng Bắc bộ, ao đầm sông ngòi liền sát với khu dân cư, nhà nào cũng có ao liền với sân và vườn. Phần lớn đầm nước, hồ ao chưa có rào chắn.

Trẻ em đặc biệt có nguy cơ cao bị tai nạn thương tích do bom mìn còn sót lại vì các em thường tưởng nhầm đây là đồ chơi. Theo một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng năm 2009, trong 5 năm qua, ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã có 437 trường hợp tử vong và 489 trường hợp thương tích do bom mìn. Khoảng 25% các thương tích này là ở trẻ 14 tuổi trở xuống, trong đó chỉ có 18% trẻ em gái. 

Có một thực tế là hiện nay nhiều gia đình chưa quan tâm, quản lý và giám sát trẻ đúng mức. Đây cũng là chính là yếu tố khiến tỷ lệ tai nạn thương tích vẫn còn cao. Thông thường thì gia đình là nơi trẻ em được bảo vệ tốt nhất, nhưng theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích trong môi trường này là không nhỏ. Tai nạn bỏng ở trẻ có nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn như để các vật dễ gây bỏng ở vị trí không thích hợp (đèn dầu, phích nước sôi... trong tầm với của trẻ), không quan tâm, để mắt tới trẻ... Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi do tai nạn đuối nước chiếm 45%, do tai nạn giao thông chiếm hơn 20% mà lỗi chính do người lớn thiếu sự giám sát, lấn chiếm sân chơi của trẻ, không chú trọng đến việc xây dựng khu vực an toàn cho hoạt động chính đáng này của trẻ. Điều đó đã trực tiếp đẩy trẻ tự đáp ứng nhu cầu của mình gây nên nhiều tai nạn thương tâm không đáng có. Do vậy, cha mẹ cần phải quan tâm hơn nữa tới con em mình trong việc phòng tránh tai nạn thương tích.

Tai nạn thương tích thực sự là một vấn đề bức xúc của xã hội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Gánh nặng do tai nạn thương tích rất lớn không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn cho toàn xã hội bởi những chi phí y tế và xã hội, nhất là các trường hợp thương tích gây khuyết tật vĩnh viễn. Vấn đề này cũng đã được các cơ quan, ban ngành cũng như các tổ chức xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội để có thể làm chuyển đổi hành vi ứng xử trong cộng đồng, nhất là gia đình, trong việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK