Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức buổi Gặp mặt với các đại biểu Quốc hội khóa XIII là cán bộ Ngành Y tế.
Xem hình
Bộ Y tế tổ chức Gặp mặt với các đại biểu Quốc hội khóa XIII là cán bộ Ngành Y tế

Tham dự buổi Gặp mặt này có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Văn Cừ; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, đại diện lãnh đạo các vụ, cục (Bộ Y tế) và 20/22 đại biểu Quốc hội khóa XIII là cán bộ Ngành Y tế. Đây là hoạt động thường quy của Bộ Y tế kể từ Quốc hội khóa XII, cứ mỗi kỳ họp Quốc hội, Bộ Y tế đều tổ chức Gặp mặt các đại biểu là cán bộ Ngành Y tế để báo cáo tình hình công tác y tế, giúp các đại biểu có thêm cơ sở làm tốt hơn vai trò “người đại biểu của nhân dân” trong việc góp phần xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, giám sát các hoạt động của Ngành và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, thay mặt Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ Y tế Báo cáo kết quả thực hiện công tác nhiệm kỳ 2007-2011 và trọng tâm kế hoạch trong thời gian tới. Ngành Y tế đã rất nỗ lực và quyết tâm phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Với 35 vạn cán bộ y tế (trong đó có 5,5 vạn bác sỹ); 77 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; 8 trường đại học y dược (trừ Đại học Y Huế và Đại học Y Thái nguyên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo); 16 trường y dược và 4 bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Ngành Y tế đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Đó là Chỉ số sức khỏe được cải thiện và phát triển: tăng tuổi thọ trung bình (72,8 tuổi), giảm tỷ lệ tử vong trẻ em (dưới 1 tuổi 16%o, dưới 5 tuổi 25%o), vượt kế hoạch 4 chỉ tiêu về y tế do Quốc hội giao và 19 chỉ tiêu về y tế do Chính phủ giao; Chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch và kiểm soát thành công dịch bệnh; Nghiên cứu, ứng dụng thành công các công nghệ kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như kỹ thuật ghép tạng (tim, gan, thận...), kỹ thuật can thiệp tim mạch, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, công nghệ tế bào, gen trị liệu, phẫu thuật nội soi...; Bước đầu thành công trong việc chống quá tải bệnh viện và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật; Củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức và chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế; Đảm bảo giữ vững bình ổn giá thuốc và cung ứng thuốc dự phòng, điều trị; Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được duy trì và ngày càng được nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, Ngành Y tế vẫn còn những khó khăn, tồn tại và thách thức do hệ thống y tế chậm đổi mới, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; Cơ cấu bệnh tật đang thay đổi bởi “gánh nặng” của các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích (nhóm các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, từ 42,7% năm 1976 lên 63,1% năm 2008 và 67% năm 2010); Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính y tế luôn là một “hạn chế” cho các hoạt động triển khai, cho dù, tỷ lệ chi tiêu công đã được tăng hơn nhưng vẫn còn thấp so với khuyết cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; Nhất là nhận thức, hiểu biết của người dân về bảo vệ và nâng cao sức khỏe cũng như phòng chống dịch bệnh và xây dựng lối sống lành mạnh còn chưa cao...

Các đại biểu Quốc hội ghi nhận tình hình công tác của Ngành và cam kết sẽ cố gắng nỗ lực hoạt động “hết mình” để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân và Ngành Y tế. Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng những hoạt động hợp tác giữa Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bộ Y tế là sự thể hiện giữa hai cơ quan Lập pháp và Hành pháp trong việc chia sẻ và ủng hộ để xây dựng các chính sách chăm sóc sức khỏe mang lại lợi ích cho nhân dân. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội cần nắm vững và hiểu rõ các chính sách của Ngành để góp phần bảo vệ và giải thích rõ cho nhân dân hiểu thì chính sách đó mới được thực thi hiệu quả.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK