Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đi khảo sát tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bênh viện Nhi đồng 1 và một số bệnh viện quận, huyện thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.

Tại Bệnh viện Ung Bướu, một trong những bệnh viện chuyên khoa ung thư đầu ngành của TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có từ 9.000 - 10.000 lượt bệnh nhân đến điều trị ngoại trú, 1.700 - 1.800 bệnh nhân điều trị nội trú, nên Bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải. Đặc biệt, tại các khoa Nội 1, Nội 4, bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường, thậm chí có những bệnh nhân phải trải chiếu nằm dưới sàn phòng bệnh, lối đi, hành lang của Bệnh viện. BS. Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trên là do cơ sở vật chất cũ kỹ, chất hẹp, trang thiết bị chưa đủ đáp ứng số lượng bệnh nhân. Theo kế hoạch, Bệnh viện phải kê 1.300 giường nhưng thực tế chỉ có 700 giường bệnh.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, ngay trong sáng 28/11 đã có 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. BS. Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện cho biết: vấn đề quá tải thường xuyên xảy ra vì hiện nay tỷ lệ tai nạn thương tích, chấn thương ngày càng tăng cao, cộng với các bệnh xã hội như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm… khiến mỗi năm lượng bệnh nhân tăng thêm gần 10%. Tuy nhiên cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực hiện có của Bệnh viện lại đáp ứng đủ.

Cũng giống như Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang phải gồng mình tiếp đón từ 1.500-1.600 bệnh nhân nội trú/ngày, trong khi cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 700 giường bệnh. Bên cạnh sự quá tải về giường bệnh, mỗi ngày, Bệnh viện còn tiếp đón khoảng 5.000 lượt bệnh nhân tới khám. Vào những lúc cao điểm của mùa dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng… số lượng bệnh nhân lên tới hơn 7.000 người. Chính vì vậy mà các khoa hô hấp, nhiễm, sơ sinh, tiêu hóa luôn trong quá tải và năm sau cao hơn  năm trước. Hiện nay, lượng bệnh nhân chuyển viện có giảm nhờ y tế cơ sở đã có cải thiện, nhưng lượng bệnh nhân tự đến lại tăng mạnh (từ 73,1% năm 2008 lên 81,5% năm 2011), khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế vượt tuyến tăng 34% cũng góp phần làm cho Bệnh viện ngày càng quá tải.

Không chỉ khám và điều trị cho nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố và trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 30% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Ở các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối thì con số này lên đến 50 - 60%, tạo ra áp lực quá lớn, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh, khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu, chất lượng khám chữa bệnh không đạt như mong muốn, môi trường bệnh viện dễ bị nhiễm khuẩn, mất an ninh trong bệnh viện...

Sau chuyến khảo sát, ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để tìm giải pháp giảm tải cho các bệnh viện thành phố

Tác giả: Trung tâm TTGDSK