Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tỷ số giới tính bình thường, có thể chấp nhận dao động trong khoảng 103 đến 106 trẻ em trai khi sinh/100 trẻ em gái.
Xem hình
Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo thống kê tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta có chiều hướng tăng dân từ 105 trẻ em trai (năm 1979) lên 106 (năm 1989) và 107 (năm 1999) nhưng từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh tăng cao và nhanh liên tục, từ 110 (năm 2006) lên 111(năm 2007) và 112 (năm 2008). Đến năm 2010 tỷ số giới tính khi sinh là 110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Đặc biệt, có những địa phương như Hưng Yên với 130,7 bé trai/100 bé gái, Hải Dương với 113 bé trai/100 bé gái, Đà Nẵng với 117 bé trai/100 bé gái.

Sự gia tăng này sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng đối với từng gia đình và toàn xã hội. Nó sẽ dẫn tới tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai. Theo các chuyên gia, khoảng 20 năm nữa 10% thanh niên nam của Việt Nam không tìm được vợ. Điều này còn gây ra các hiện tượng mất trật tự xã hội với nạn buôn bán bắt cóc phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Mất cân bằng giới tính là một biểu hiện nghiêm trọng của mất cân bằng cơ cấu dân số, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dân số và gây ra những hệ lụy khác cho xã hội như: ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nảy sinh tình trạng thiếu nữ giới trong tương lai, chất lượng dân số bị giảm sút…

Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó không thể không nhắc tới là tập quán, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, thực trạng này đang ngày càng gia tăng nhờ có sự trợ giúp của các phương tiện kĩ thuật giúp các cặp vợ chồng chọn giới tính đứa trẻ để sinh ngay từ khi có kết quả siêu âm hay cố sinh thêm để có con trai dẫn tới việc gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, để giải quyết tình trạng này ngoài nỗ lực của ngành Y tế còn rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mỗi người dân trong thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho người dân, đi sâu vào từng nhóm đối tượng, từng khu vực, để người dân hiểu hơn nữa chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, tiến tới xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Công tác giáo dục nhận thức bình đẳng giới cho thanh niên, sinh viên, các cặp vợ chồng trẻ… cũng rất quan trọng, bởi lẽ họ là những người sẽ làm cha làm mẹ trong tương lai.

Một giải pháp khác đó là tuyên dương những dòng họ, cụm dân cư; tuyên truyền những phong tục, thói quen sinh hoạt truyền thống tích cực, hạn chế dần tư tưởng trọng nam khinh nữ, phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Việc khắc phục vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chính là cơ sở để việt Nam hoàn thành công tác bình đẳng giới, đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý trong tương lai.

Tác giả: Bình An