Dịch tay-chân-miệng vẫn đang hoành hành dữ dội ở các tỉnh phía nam mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực phòng, chống.

Trước thực trạng trên, sáng 15.8, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị với 20 tỉnh, thành khu vực phía nam nhằm tìm giải pháp khẩn để đối phó với loại dịch bệnh này. Điều đáng báo động là đợt dịch thứ hai bùng phát mạnh hơn đợt 1 và kéo dài từ tháng 8 - 10, lại trùng vào thời điểm học sinh tựu trường…  

Dịch đã bùng phát

Thống kê mới nhất của Viện Pasteur TPHCM, tính đến tuần thứ 32 của năm 2011, số ca mắc tay-chân- miệng (TCM) ở khu vực phía nam đã lên trên 25.700 ca, trong đó có 74 trường hợp tử vong. Theo nhận định của Viện Pasteur, tỉ suất chết so với người mắc trong thời điểm này được xem là khá cao so với mọi năm. So với năm 2010, số ca TCM tại các địa phương như Vĩnh Long tăng 803%, Tây Ninh tăng 753%, Cà Mau tăng 729%, Đồng Nai tăng 728%, Long An tăng 644%... Mặc dù TPHCM là địa phương có số mắc cao nhất trong khu vực 7.025 ca, tuy nhiên, nếu so sánh mật độ trên 100.000 dân thì ở TPHCM chỉ có tỉ lệ mắc 79,46 trong khi đó, các tỉnh, thành có số mắc cao nhất lại là Bình Dương (143), Bà Rịa - Vũng Tàu (136), Đồng Nai (129).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Dịch TCM đã bùng phát chứ không nói là dịch có nguy cơ bùng phát nữa”. Chính vì lấn cấn giữa dịch hay bệnh nên cơ chế đối phó khác nhau khiến các địa phương lúng túng. Lãnh đạo BV Nhi Đồng 1 cho rằng, mặc dù phác đồ điều trị mới đối với ca TCM mà Bộ Y tế vừa công bố đã phát huy hiệu quả với tỉ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, chi phí đội lên cho mỗi ca quá lớn vượt trần mức mà BHYT quy định. Cụ thể, phác đồ điều trị mới chia TCM làm 5 phân độ. Chi phí trung bình điều trị một ca TCM độ 2 là 5,2 triệu đồng, độ 3 là 27,5 triệu đồng, độ 4 là 30 triệu đồng. Trong khi đó, mức trần của BHYT thanh toán cho một ca bệnh TCM điều trị nội trú chỉ là 1,9 triệu đồng.

Áp lực của đợt dịch thứ hai

Chính vì áp dụng theo quy chế bệnh nên khi dịch TCM bùng phát dữ dội, nhiều BV ở các địa phương vẫn chưa dám đề xuất mua thuốc theo phác đồ mới là loại truyền tĩnh mạch gamaglobuline để sử dụng. Loại thuốc này có giá cao nếu các BV tự ý mua về điều trị thì phải theo cơ chế đấu thầu. Chính vì thủ tục, chi phí thuốc cao và TCM lại chưa được công bố thành dịch nên nhiều BV tại khu vực Nam Bộ cứ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên... cho chắc.

TS Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, đợt dịch thứ hai trong năm thường có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt dịch đầu. Câu hỏi được TS Hữu đặt ra là tại sao dịch tăng có phải do chu kỳ 2-4 năm bùng phát hay là do một nguyên nhân nào khác cần phải nghiên cứu kỹ để can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ nếu ngành y tế không chuẩn bị phương án đối phó thì sẽ trở tay không kịp khi học sinh bước vào mùa tựu trường với mức độ lây lan khó kiểm soát được.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK