Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Luật gồm 11 chương và 72 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.

Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực sẽ thay thế Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm được ban hành năm 2003. Đây là điều hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Theo đó, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều điểm mới và khác biệt so với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 như về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; về việc xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao bộ chuyên ngành quy định điều kiện phù hợp và khả thi cho từng loại hình cũng như là việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm biến đổi gen…

Riêng đối với loại hình thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy Luật đã dành một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ…

Có một điểm nổi bật là nếu như trước đây Pháp lệnh quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô thời hạn thì Luật quy định giấy này chỉ có giá trị trong 3 năm.

Để quản lý tốt về an toàn thực phẩm, Luật quy định phải tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, bao gồm đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về nguy cơ. Luật cũng đưa ra các quy định về điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu, cũng như những yêu cầu trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.

Tác giả: Trung tâm TTTTGDSK