Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, thuốc lá là nguy cơ lớn nhất đối với sức khoẻ con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Việt Nam: 11% ca tử vong liên quan đến thuốc lá

Theo số liệu năm 2011 của Viện Chiến lược Chính sách Y tế, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế kỷ 21 ước tính 1 tỷ người chết do thuốc lá; Ước tính hàng năm nền kinh tế toàn cầu tiêu hao hơn 500 tỷ USD cho thuốc lá. Con số này vượt tổng chi tiêu hàng năm cho y tế ở tất cả các nước đang phát triển trên thế giới. Chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6-15% tổng chi phí y tế; chi phí xã hội rất cao: Mỹ: 170 tỷ USD/năm, Trung Quốc 5 tỷ USD/năm, Australia 31 tỷ USD/năm.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4%, tương đương 16 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá. Có khoảng 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; Hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Theo TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), do không chủ động được nguồn tài chính, nên việc tổ chức thực hiện hoạt động phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá không đồng bộ và thường xuyên. Kết quả đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP cho thấy, mặc dù đã có khá nhiều tiến bộ trong việc thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thuốc lá của cộng đồng, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được.

Cũng theo TS. Khuê, trong thời gian tới, việc huy động nguồn kinh phí cho PCTH thuốc lá sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn do các nguồn tài trợ quốc tế sẽ ngày càng giảm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới, vì thế đang và sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội trong dài hạn. Theo ước tính của Bộ Tài chính nếu đầu tư 420 tỷ đồng/năm mới chỉ đáp ứng 60% kinh phí cần thiết cho hoạt động PCTH thuốc lá tại Việt Nam.

Độ tuổi hút thuốc trẻ hóa

Hiện nay, độ tuổi bắt đầu hút thuốc của thanh thiếu niên Việt Nam là rất trẻ (13-15 tuổi). Ở độ tuổi này, trẻ thường không ý thức được tính chất độc hại của thuốc lá, hút thuốc chủ yếu do bắt chước bạn bè và người lớn. Việc áp dụng cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh sẽ giúp cho trẻ nhận thức tốt hơn về tác hại của việc hút thuốc và các chất độc hại có trong khói thuốc và không hút thuốc. Như vậy sẽ bảo vệ được thế hệ trẻ khỏi sự tàn phá do các căn bệnh do thuốc lá gây ra trong tương lai.

Các nghiên cứu cho thấy: Không có một mức độ an toàn nào đối với việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Chính vì vậy WHO khuyến cáo rằng: Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của khói thuốc thụ động thì bầu không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Việc phân chia khu vực dành riêng người hút thuốc và người không hút thuốc trong môi trường trong nhà, hay là việc sử dụng hệ thống thông gió, lọc khí đã được chứng minh là không có hiệu quả trong việc bảo vệ con người trước khói thuốc thụ động. Việc xây dựng môi trường không khói thuốc là để bảo vệ quyền của những người không hút thuốc được hít thở không khí trong lành không khói thuốc. 

Hiện trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các nơi làm việc mới chỉ cấm hút thuốc tại các khu vực trong nhà.  Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị đã  thực thi thành công quy định cấm hút thuốc hoàn toàn tại cả các khu vực làm việc trong nhà và trong khuôn viên cơ quan/đơn vị như:  Bệnh viện Nhi đồng 1, Liên đoàn Lao động các tỉnh Bắc Giang, Tiền Giang, Thanh tra TP Đà Nẵng…

Hiện trong dự thảo Luật, các khu vực này được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc. Tuy nhiên, việc cho phép bố trí khu vực dành riêng cho hút thuốc trong nhà tại một số nơi như nhà hàng, quán bar, quán karaoke… là không khả thi, vì các lý do: Khách đến nhà hàng phần đông là người không hút thuốc. Họ đến theo nhóm, mỗi nhóm có cả người hút và người không hút, việc chia tách những người hút thuốc ra ngồi ở "khu vực dành riêng" là không thực tế. Theo Bộ Y tế, Quốc hội đang chuẩn bị xem xét thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, điều quan trọng là các giải pháp để bảo vệ người dân khỏi tác hại của thuốc lá.

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK