Ngày 1/12, tại Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Ban điều hành Trung ương Dự án phòng chống sốt xuất huyết tổ chức cuộc họp đánh giá hoạt động phòng chống sốt xuất huyết năm 2011 và kế hoạch họat động năm 2012. Đến dự có TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, Trưởng ban điều hành; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế; lãnh đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, các Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố… là thành viên của Dự án.
Xem hình
Toàn cảnh cuộc họp

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 25/11/2011, cả nước ghi nhận thêm 61.852 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 56 trường hợp tử vong, giảm 46,8% số ca mắc và 42,3% số ca tử vong so với cùng kỳ năm 2010. Số ca mắc chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam như Cà Mau, Bạc Liêu, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 54.816 trường hợp mắc, 54 trường hợp tử vong, chiếm 88,6% số ca mắc và 96,4% số ca tử vong của cả nước. Đưa tỷ lệ chết/mắc của cả nước lên 0,09% không đạt so với chỉ tiêu ban đầu đề ra là 0,08 (giảm 10% so với trung bình giai đoạn 2006 – 2010). Ngược lại với khu vực miền Nam, khu vực Tây Nguyên chỉ ghi nhận 474 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2010, số ca mắc và tử vong đều giảm ở cả 4 khu vực miền Nam, miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng cho biết, tính đến hết tháng 11/2011, Dự án phòng chống sốt xuất huyết đã thực hiện được 6/8 kế hoạch chỉ tiêu đề ra. Riêng chỉ tiêu củng cố mạng lưới cộng tác viên và hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình không đạt là do thiếu nhân lực. Còn chỉ tiêu giảm 10% tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết so với giai đoạn 2006-2010 hiện chưa đạt và hy vọng đến hết tháng 12 sẽ đạt được chỉ tiêu này.

Để duy trì những kết quả đạt được trong những năm qua và khống chế, không để dịch lớn xảy ra cũng như số bệnh nhân chết/mắc vào năm 2012, TS. Trần Thanh Dương đề nghị cần chủ động giám sát nguy cơ; xây dựng mạng lưới cộng tác viên; hỗ trợ hoạt động cho tuyến dưới; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, loa truyền thanh; đầu tư trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, nghiên cứu khoa học…

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK