Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đã khắc phục những khó khăn thực hiện tốt các chương trình y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và triển khai có hiệu quả các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

Nho Quan là huyện miền núi có diện tích rộng, địa hình phức tạp so với các huyện khác trong tỉnh; do đó, công tác quản lý, tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện các chương trình y tế cũng như các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân rất khó khăn, nhưng Trung tâm Y tế huyện đã tích cực, chủ đọng,đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn nhân lực cho các trạm y tế gắn với việc thực hiện các nội dung của Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã do vậy đến nay đã có 20/27 xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại mỗi xã và trong toàn huyện.

Năm 2016 và quý 1 năm 2017 trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các chương trình y tế triển khai đồng bộ tại Trung tâm và 100% các xã, thị trấn. Tuyên truyền giám sát các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H5N1), (H7N9), Ebola. Các dịch bệnh thông thường như tay-chân-miệng, thủy đậu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, cúm….giảm nhiều so với năm trước. Huyện Nho Quan thuộc lưu vực sông Hoàng Long, một số xã như Đức Long, Lạc Vân.. là vùng phân lũ thuộc ô chũng, vì vậy thường xảy ra lũ lụt trong mùa mưa bão, để phòng chống tốt dịch bệnh nhất là vào mùa mưa bão Trung tâm luôn có kế hoạch và hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công tác tiêm chủng cũng được trú trọng, Trung tâm đã chỉ đạo các xã rà soát đối tượng, tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân và tập huấn cho cán bộ y tế, kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng, do vậy công tác  an toàn trong tiêm chủng được đảm bảo, không có tai biến nặng trong tiêm chủng, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98% . Trên 95,8% học sinh lớp 11-12 được tiêm vắc xin Sởi – Rubela.

Công tác An toàn thực phẩm, trong năm trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc và không có tử vong do ngộ độc thực phẩm, công tác tuyên truyền đảm bảo vệ sinh an toàn thực được chú trọng gắn với việc tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát các mối nguy cơ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm  tiếp tục duy trì việc giám sát phát hiện người nhiễm mới, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm xóa bỏ kỳ thị giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, triển khai 05 điểm cấp thuốc ARV tại 5 trạm y tế cho tổng số 175 bệnh nhân HIV; duy trì điều trị Methadone cho 185 bệnh nhân. Các chương trình: phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản và các chương trình y tế khác được triển khai đồng bộ có hiệu quả tại Trung tâm và 100% các xã, thị trấn trong huyện.

 

 

Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả công tác dự phòng, Trung tâm cũng tăng cường chỉ đạo hướng dẫn các trạm Y tế làm tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế. Nhiều trạm y tế trên địa bàn đã củng cố về cơ sở vật chất, mua sắm được nhiều trang thiết bị, triển khai được nhiều kỹ thuật như siêu âm, xét nghiệm…do đó đã tạo được niềm tin và thu hút được nhiều người bệnh đến khám và chữa bệnh tại trạm, góp phần phục vụ người dân ngay tại địa bàn, giảm tải cho các bệnh viện.  

 

Lãnh đạo Trung tâm thường xuyên chỉ đạo kịp thời, tổ chức học tập và quán triệt cho nhân viên y tế trong toàn huyện thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh, trực tiếp kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn, lập sổ sách thống kê báo cáo, ứng dụng các phần mền trong quản lý y tế cơ sở  tại các  trạm Y tế. Do đó năm 2016 và quý 1 năm 2017, tại các trạm y tế xã không có trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, không có đơn thư khiếu nại về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

 

Tuy nhiên, Trung tâm cũng gặp một số khó khăn nhất định do tập quán, nhận thức của người dân về công tác y tế dự phòng còn chưa cao nên khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ. Nguồn nhân lực còn thiếu nhất là Bác sỹ, cán bộ Y học cổ truyền và dược. Cơ sở vật chất ở trung tâm cũng như một số Trạm Y tế xuống cấp. Năm 2017 và những năm tiếp theo, duy trì những kết quả đã đạt được và cần được sự quan tâm của Sở Y tế và các Ban ngành để khác phục những khó khăn hoàn thành xuất sắc công tác  y tế trên địa bàn.

Tác giả: Lê Lành