Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 các ban ngành, đoàn thể trên toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức các hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị. Một trong trong những hoạt động đó là hội thi "Tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS năm 2010" do Trung tâm Truyền thông GDSK phối hợp với Hội phụ nữ thành phố Ninh Bình tổ chức.
Xem hình

Ấn tượng của hội thi là một “bầu không khí nóng” của các thí sinh và các cổ động viên. Tất cả tạo nên sự nhiệt huyết của những con ngườicùng chung tay góp sức với mong muốn đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Tham dự hội thi có 70 thí sinh là tuyên truyền viên tiêu biểu đến từ Hội phụ nữ của 14 xã, phường trên địa bàn thành phố. Qua tiếp xúc với các thí sinh hầu hết các chị đều có chung một suy nghĩ: Đây là dịp để mỗi tuyên truyền viên được giao lưu, học hỏi để tích lũy thêm kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời nhằm tăng cường sự tham gia tự nguyện của những người nhiễm HIV/AIDS; Giảm kỳ thị, phân biệt, đối xử của cộng đồng xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, góp phần chung tay với cộng đồng xã hội để ngăn chặn đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.

Cuộc thi hấp dẫn ngay từ màn tự giới thiệu. Thông qua các tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ các đội tuyển đã đưa ra thông điệp cảnh báo về hậu quả của đại dịch HIV/AIDS. Màn chào hỏi được lồng ghép khéo léo giữa việc giới thiệu những thành quả và vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong công tác phòng chống HIV/AIDS tạo cho người xem những cảm nhận sâu sắc, sự thông cảm chia sẻ chân tình với những người cán bộ, hội viên hội phụ nữ các cấp trong công tác phòng chống HIV/ AIDS.

Được xác định là trọng tâm, phần thi kiến thức với các câu hỏi xung quanh nội dung công tác phòng chống HIV/AIDS được các đội thể hiện thông minh với những câu trả lời đầy đủ, nhận thức rõ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng chống HIV/ AIDS; sự hiểu biết về hiểm họa HIV/AIDS. Nhiều đội đã trả lời và liên hệ được với thực tế của địa phương, gây ấn tượng tốt đẹp cho ban giám khảo và toàn thể hội thi, thể hiện sự cố gắng, sự chuẩn bị chu đáo.

Cuối cùng là phần thi tiểu phẩm-đây là phần thi được coi là hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng nhất. Thông qua các tiểu phẩm có thật từ cuộc sống, được sân khấu hóa, đã phản ánh được những nỗi đau của người vợ, người mẹ, những gia đình có chồng, con mắc nghiện ma túy; hay những cảnh đau thương đến tột cùng, nỗi mất mát to lớn của những người vợ, đứa con thơ bị lây nhiễm HIV/AIDS bởi người chồng mang lại do tiêm chích ma túy. Nhiều tiểu phẩm đã thật sự gây xúc động, khiến người xem không cầm được nước mắt. Một số tiểu phẩm như: "Xin hãy tin em"; “Hồi sinh”, “Xin hãy đồng cảm với em”, hấp dẫn, sâu sắc mang tính giáo dục, nhân văn cao.

Hội thi đã kết thúc nhưng những kiến thức cũng như thông điệp chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và một quyết tâm phòng chống HIV/AIDS vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi thí sinh cũng như những cổ động viên. Chính những gì họ thể hiện trên sân khấu đã khẳng định rõ được tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của toàn thể hội viên. Đây là một hình thức truyền thông về công tác phòng chống HIV/AIDS mang lại hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân.

 

 

 

Tác giả: Kim Thoa - Trung tâm TTGDSK