Sốt xuất huyết là bệnh dịch có xu hướng bùng phát theo mùa, theo năm, nhưng năm nay, do điều kiện vệ sinh môi trường, do thời tiết bất thường, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tăng đột biến, trở thành mối nguy hiểm trong cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống nhằm từng bước khống chế tình hình lây lan bệnh, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.


Tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: Hồng Vân

Tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: Hồng Vân


          Thị trấn Nho Quan là một trong 5 địa phương trên địa bàn huyện Nho Quan có trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết ngoại lai. Trước tình hình đó, Trung tâm y tế Nho Quan đã chỉ đạo Trạm y tế thị trấn phân công cán bộ trạm thường xuyên theo dõi, giám sát bệnh nhân mắc và người nhà của họ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn ra quân phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy. Chỉ đạo cán bộ y tế các khu phố tăng cường giám sát phòng, chống bệnh tại địa bàn quản lý, tránh xuất hiện dịch, lây lan ra cộng đồng.

          Tính đến ngày 17/8/2017, tổng số người mắc bệnh sốt xuất huyết có địa chỉ trên địa bàn huyện Nho Quan là 47 người, trong đó hầu hết là trường hợp ngoại lai, là những bệnh nhân đã có thời gian sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch. Tuy nhiên trên địa bàn huyện đang có hơn 20 trường hợp nghi ngờ lâm sàng theo dõi trong các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Mặc dù chưa có bệnh nhân mắc bệnh nội sinh trên địa bàn huyện, nhưng theo lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Hoàng Anh Tuấn, huyện Nho Quan không lơ là, chủ quan trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và nguy hiểm trong cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng. Theo đó, để hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, Trung tâm y tế huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho các cán bộ, y, bác sĩ 27 trạm y tế, các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phòng chống dịch tại cộng đồng. Huy động 286 cán bộ y tế thôn, bản bám sát địa bàn theo dõi, hướng dẫn nhân dân diệt trừ mầm bệnh bằng cách vệ sinh môi trường sống, chú trọng đến việc diệt loăng quăng, bọ gậy, vận động nhân dân ngủ màn. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân mắc bệnh trở về địa phương, Trung tâm y tế huyện tiến hành khoanh vùng phun hóa chất diệt muỗi tại nơi cư trú, đồng thời theo dõi, giám sát bệnh nhân trong vòng 14 ngày, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm y tế dự phòng huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp, mỗi ngày phát 2 lần, giúp người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh, chủ động vệ sinh tại gia đình bằng các hình thức như diệt muỗi, loăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước, là nguyên nhân bệnh gây sốt xuất huyết. Thêm vào đó, Trung tâm y tế huyện cũng chủ động kiện toàn và bố trí các đội phòng chống dịch lưu động với 2 đội của Trung tâm y tế huyện, mỗi xã, thị trấn bố trí 1 đội, khi không may xảy ra dịch bệnh sẵn sàng đối phó, ứng cứu, hỗ trợ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

          Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, hiện thời tiết thường xuyên thay đổi với nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Loại muỗi truyền sốt xuất huyết thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Chúng đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây...; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước, kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Loại muỗi này không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20oC. Mật độ muỗi cao sẽ kéo theo véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết tăng. Sau khi bị muỗi vằn đốt, thời gian ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, có thể kéo dài đến 15 ngày thì xuất hiện triệu chứng bệnh sốt xuất huyết. Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin phòng ngừa, do đó, việc nâng cao ý thức phòng bệnh, nhất là vào mùa mưa là việc làm không thể thiếu trong mỗi cá nhân và gia đình.

          Tính đến hết ngày 18/7/2017, tỉnh Ninh Bình có 252 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết; trong đó 202 trường hợp mắc bệnh ngoại lai, 8 trường hợp nội tỉnh, có 28 trường hợp nghi ngờ lâm sàng đang theo dõi. Trong số đó, huyện Kim Sơn dẫn đầu toàn tỉnh với 62 ca mắc, tiếp đến là Nho Quan 47, Gia Viễn 42, Yên Khánh 38 ca và các huyện, thành phố khác có hàng chục trường hợp mắc bệnh. Hiện số trường hợp test nhanh dương tính còn nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 32 trường hợp, Bệnh viện Sản-Nhi 1 trường hợp; hàng chục trường hợp nghi ngờ lâm sàng đang được theo dõi, điều trị tại các bệnh viện… Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, hiện người dân không nên lo lắng quá mức, song cũng không nên chủ quan với loại bệnh này. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân có thể dùng rèm, lưới ngăn côn trùng, hương muỗi, kem chống muỗi đốt..., nhưng quan trọng nhất là diệt bọ gậy - loăng quăng để không phát triển thành muỗi. Cùng với đó, khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện để tránh quá tải cho bệnh viện.

          Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2017, cả nước có gần 81 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có gần 70 nghìn trường hợp nhập viện, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2016. Cả nước đã có 24 trường hợp tử vong. Bệnh sốt xuất huyết hiện đang bùng phát trên khắp cả nước, riêng miền Bắc tăng tới 763% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với tỉnh Ninh Bình, mặc dù chưa có bệnh nhân tử vong nhưng số trường hợp mắc sốt xuất huyết đang không ngừng gia tăng theo ngày. Cùng với đó, tại các địa phương cũng đã phát hiện 6 ổ dịch cũ và mới, trong đó có 2 ổ dịch mới tại huyện Kim Sơn và Gia Viễn, do đó việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết càng cần thiết hơn bao giờ hết. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại tất cả các tuyến, các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Cùng với đó, các bệnh viện cũng chủ động nâng cao hiệu quả điều trị, tránh để lây chéo bệnh trong bệnh viện cho bệnh nhân. Kiện toàn các đội phòng chống dịch lưu động từ tỉnh đến huyện, xã, khi có dịch sẵn sàng vào cuộc, hạn chế tình trạng lây lan dịch ra diện rộng, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn...

 

Tác giả: Báo Ninh Bình