Những năm gần đây,Tam Điệp là một trong những đơn vị luôn có tỷ số giới tính khi sinh là 112 bé trai/100 bé gái (năm 2009), nhưng đến năm 2010 tỷ lệ này lên mức 127/100, trong khi tỷ số giới tính khi sinh thông thường từ 103-107/100. Trước thực trạng đó, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp hướng vào mục tiêu giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Xem hình
Phụ nữ phường Bắc Sơn (Tx. Tam Điệp) đăng ký tư vấn các biện pháp tránh thai trong chiến dịch

Đồng chí Vũ Thị Luyến, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ thị xã cho biết: Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách dân số-KHHGĐ, nhất là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Các cán bộ dân số đã đến hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ tuyên truyền, động viên. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc chấp hành Pháp lệnh Dân số. Nguyên nhân chính là do tư tưởng trọng nam của đất nước Á Đông vẫn tồn tại trong xã hội. Tâm lý muốn có con trai để “nối dõi tông đường”, chuyện ngồi “chiếu trên, chiếu dưới”, “trong nhà, ngoài sân” khiến nhiều người cay cú quyết đẻ con trai…

Bên cạnh đó, khoa học ngày càng phát triển, các kỹ thuật hiện đại như siêu âm để xác định ngày rụng trứng, chọn thời gian mang thai làm tăng khả năng có con trai càng “hỗ trợ” cho các gia đình khát con trai có thêm “niềm tin” vào quyết định sinh thêm con của mình. Ngoài ra, qua một số trang Web, sách báo, các kênh thông tin, sách tham khảo, bắt mạch…cộng với việc các cơ quan chức năng chưa vào cuộc quản lý chặt chẽ những hoạt động này nên đã gây nhiều tác động trong việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm Dân số-KHHGĐ thị xã đã tích cực tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách Dân số-KHHGĐ, đặc biệt là về thực trạng và hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh cho mọi người dân, nhất là tập trung vào nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, nam giới, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo hút thai; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, thay đổi hành vi về công tác dân số-KHHGĐ đến tận các cơ sở, chú trọng những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh cao; Đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ và tư vấn sức khỏe sinh sản-KHHGĐ; Tăng cường phối hợp, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc chặt chẽ những cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện chẩn đoán giới tính thai nhi và các cơ sở có sách báo tài liệu tuyên truyền về việc sinh con theo ý muốn.

Cách đây 3 năm, xã Yên Sơn có tỷ lệ giới tính khi sinh khá cao, nay đã thấp hơn so với tỷ lệ trung bình toàn thị xã ở mức 107 bé trai/100 bé gái. Có được kết quả này là do thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong xã tích cực vào cuộc, coi công tác DS - KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xã. Xã đã chú trọng tuyên truyền thông tin về mất cân bằng giới tính, những hậu quả để lại trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng của mất cân bằng giới tính tới cuộc sống gia đình và sức khỏe người mẹ. Vào ngày 25 hàng tháng, Trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chú trọng phụ nữ đang mang thai, kết hợp với tư vấn về SKSS/KHHGĐ cho chị em. Những việc làm thiết thực đó đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, đặc biệt là mang lại hiệu quả thiết thực cho những cặp vợ chồng trẻ. Vợ chồng chị Lê Thị Nhung, thôn Yên Lâm đã sinh được 2 con gái, dù hoàn cảnh kinh tế không khá giả nhưng anh chị vẫn muốn sinh thêm 1 cậu con trai cho “Có nếp, có tẻ”. Sau khi truyền thông và tư vấn, anh chị đã nhận thức rõ được khả năng của gia đình mình không thể bảo đảm nuôi dạy tốt các con nên đã quyết định không sinh thêm nữa. Giờ đây, chị đã chấp nhận sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Anh Trần Quốc Toàn, chuyên trách dân số xã Quang Sơn cho biết: Hầu hết người dân trong xã làm nông nghiệp, những người trẻ tuổi thì đi làm ăn xa hoặc làm công nhân tại các công ty nên ngày thường không có thời gian cho các hoạt động, bởi vậy Ban dân số xã đã tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn về mất cân bằng giới lồng ghép với các nội dung về KHHGĐ vào ngày thứ bẩy và chủ nhật, để thu hút đông người tham gia; Tư vấn cho những bạn trẻ đến đăng ký kết hôn. Tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản-KHHGĐ trên loa truyền thanh thôn, xóm, đều đặn. Hiện tại, xã có 3 CLB phụ nữ không sinh con thứ ba, CLB tiền hôn nhân và CLB nam nông dân, thu hút hơn 150 người đến sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm cả về sức khỏe sinh sản KHHGĐ cũng như giúp nhau phát triển kinh tế.

Hiện tại tỷ số giới tính khi sinh của xã Quang Sơn vẫn giữ được cân bằng 105 bé trai/100 bé gái.

Với thị xã Tam Điệp, dù đã rất cố gắng trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động về công tác DS - KHHGĐ, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, song tỷ số giới ttính khi sinh hiện vẫn ở mức cao. Để giải quyết tận gốc vấn đề này cần sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.