Thế giới đã bước sang năm thứ 30 phòng chống HIV/AIDS; còn với Việt Nam, đây là năm thứ 21 kể từ khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên. Hơn 2 thập kỷ qua, việc phòng chống căn bệnh thế kỷ ở nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng, luôn được Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Việt Nam vinh dự được chọn là một trong số ít nước được chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống HIV/AIDS tại hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc ngày 9/6.
Xem hình
Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Hằng là một bệnh nhân HIV/AIDS ở tỉnh Lạng Sơn vừa sinh con trai kháu khỉnh. Đây là niềm vui ngoài sức tưởng tượng từ khi chị biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ. Gần 40 tuổi, từng chứng kiến một số người xung quanh rơi vào bế tắc khi nhiễm HIV trong giai đoạn chưa có thuốc can thiệp giảm tác hại, nên chị Hằng thấy mình thật may mắn khi được tiếp cận phác đồ điều trị hiệu quả, được hướng dẫn sinh con an toàn và phòng tránh lây nhiễm cho chồng.

Năm 1990, việc Việt Nam phát hiện người đầu tiên nhiễm HIV tại thành phố Hồ Chí Minh là cú sốc đối với nhiều người, dù bệnh dịch này bắt đầu từ nước Mỹ gần chục năm trước đó. Chưa có thuốc can thiệp giảm tác hại nên bệnh AIDS lúc bấy giờ là nỗi kinh hoàng của cộng đồng. Điều đó dẫn đến thực trạng rất hiếm người được xét nghiệm HIV, nhiều trường hợp chuyển sang giai đoạn cuối mới biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ và không ít bệnh nhân khi được phát hiện liền bị xã hội kỳ thị, ghẻ lạnh dẫn đến tuyệt vọng.

Nhưng giờ đây, thông điệp sống chung với AIDS trở nên quen thuộc với nhiều người; ngày càng nhiều bệnh nhân tìm đến các trung tâm trợ giúp điều trị; thậm chí nhiều người còn là thành viên câu lạc bộ đồng đẳng giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ và tuyên truyền đẩy lùi sự kỳ thị. Sự thay đổi trong cách nhìn nhận đối với người nhiễm HIV là một trong những kết quả của việc triển khai nhiều chính sách phòng chống HIV của Đảng, Nhà nước trong 21 năm qua, trong đó Luật Phòng, chống HIV/AIDS được ban hành năm 2006 là khung pháp lý quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, đến nay tỷ lệ nhiễm HIV ở Việt Nam đang chững lại, với khoảng 25.000 bệnh nhân còn sống. Hiện nay, công tác mở rộng dịch vụ tiếp cận điều trị đạt nhiều thành công, cả nước có 51.000 người được điều trị bằng thuốc kháng vi rút, tăng gần 4 lần so với 8 năm trước.

Ghi nhận những nỗ lực trong phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam, Đại hội đồng Y tế Thế giới mới đây quyết định chọn Việt Nam là nước đầu tiên triển khai thí điểm phương pháp điều trị mới (gọi tắt là 2.0) tại tỉnh Điện Biên và thành phố Cần Thơ. Phương pháp này chi phí thấp và sẽ giúp người nhiễm HIV giảm số lần xét nghiệm và không phải uống nhiều loại thuốc như hiện nay, mà thay vào đó là 1 viên tổng hợp. Theo Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV tại Việt Nam (UNAIDS), Eamonn Murphy,  phương pháp điều trị 2.0 có thể giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan đến AIDS, giảm kỳ thị và tăng tính bền vững của ứng phó quốc gia với HIV. Ông Eamonn Murphy cũng tin tưởng Việt Nam triển khai có hiệu quả phương pháp điều trị mới, giống như việc nước ta đạt nhiều thành công lớn trong phòng chống HIV/AIDS 21 năm qua.

Việc tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến này trong phòng chống HIV/AIDS sẽ giải quyết được bài toán khó trong công tác phòng chống HIV/AIDS với gần một nửa số người sống với HIV đang chờ được điều trị, gần 3/4 số phụ nữ mang thai chưa được xét nghiệm HIV, 1/3 số bà mẹ nhiễm HIV chưa được điều trị để giảm lây nhiễm từ mẹ sang con. Đồng thời, việc ứng dụng tiến bộ trong điều trị HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ, đến năm 2015 khống chế được toàn bộ vấn đề lây nhiễm HIV, tăng số người được tiếp cận với thuốc điều trị và không còn trẻ em nào sinh ra bị nhiễm HIV.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK