Chất thải y tế là chất thải phát sinh trong các cơ sở y tế từ các hoạt động khám, chữa bệnh, bao gồm cả dạng rắn, lỏng và khí. Những năm qua, vấn đề xử lý rác thải, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị trong ngành Y tế quan tâm, song thực tế vẫn còn những tồn tại cần được các cơ sở y tế quan tâm kiểm soát, quản lý chặt chẽ tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng.
Xem hình
Thực hiện các công đoạn tại lò đốt rác Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 

          Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày có hàng tấn rác thải được thải ra trong quá trình khám, chữa bệnh, trong đó lượng rác thải nguy hại trung bình phát sinh khoảng trên 4 tấn/tháng được xử lý bằng công nghệ thiêu đốt với lò đốt 2 buồng tại khuôn viên của Bệnh viện.

          Theo lãnh đạo Bệnh viện, chất thải rắn nguy hại được phân loại triệt để ngay tại nơi phát sinh, sau đó được vận chuyển tới khu lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại của Bệnh viện. Lò đốt chất thải nguy hại của bệnh viện là Pyrotech M50 và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Theo QCVN 02/2012/BTNMT thì chiều cao ống khói tối thiểu phải đạt 20m trở lên tùy theo vật cản xung quanh. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống lò đốt rác đã xuống cấp, quá trình hoạt động có khói đen bốc lên ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Kết quả lấy mẫu đánh giá của Trung tâm quan trắc - Tổng cục Môi trường thì hiện trạng xử lý rác thải y tế bằng lò đốt của Bệnh viện có các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép QCVN02/2012/BTNMT, chỉ có thông số bụi tổng vượt ngưỡng cho phép thải ra môi trường.

          Trước kết quả quan trắc, Bệnh viện đã được Trung tâm Công nghệ môi trường và Hóa học xanh thuộc Viện hóa học công nghiệp Việt Nam tư vấn cải tạo, nâng cấp lò đốt cho bệnh viện để đảm bảo lượng khí và bụi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn. Trong quá trình cải tạo lò, Bệnh viện đã liên hệ và ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC, là đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại cho bệnh viện để xử lý chất thải cho Bệnh viện đạt tiêu chuẩn yêu cầu.

          Hiện Bệnh viện đã tiến hành nâng cấp ống khói mới và đạt quy chuẩn QCVN 02/2012/BTNMT với chiều cao ống khói 20,5m, lắp đặt thêm hệ thống lọc khí bụi qua 2 tháp xử lý, 2 bể hồi lưu và 1 bể trung hòa acid khử mùi. Đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cải tạo và nâng cấp xong hệ thống lò đốt, thực hiện xử lý đốt rác đạt tiêu chuẩn cho phép.

          Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những cơ sở y tế quan tâm đến công tác quản lý, xử lý rác thải tại bệnh viện, góp phần đảm bảo môi trường sạch, đẹp, không để xảy ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện và khu dân cư. Thực tế hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều có các quy định, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên về nội dung quản lý, xử lý rác thải y tế theo đúng quy định. Nhiều đơn vị thực hiện tốt việc phân loại chất thải y tế, phối hợp với các đơn vị chuyên trách xử lý chất thải rắn nguy hại hoặc xây dựng được hệ thống xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hiện việc quản lý chất thải y tế nguy hại vẫn còn những bất cập. Nhiều lò đốt rác do xây dựng đã lâu, công nghệ lạc hậu đến nay đã cũ, phải sửa chữa nhiều lần, chi phí vận hành và sửa chữa tốn kém. Một số cơ sở y tế chưa có hướng dẫn phân loại và thu gom chất thải y tế cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hầu hết việc vận chuyển rác thải nội bộ tại các cơ sở y tế thông qua các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường ký hợp đồng với cơ sở y tế thực hiện. Công tác lưu giữ chất thải y tế ở một số nơi quản lý chưa tốt…

          Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56, ngày 17/5/2017 truyền thông về quản lý chất thải y tế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2010, với mục tiêu nâng cao nhận thức và tăng cường thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Theo đó, mục tiêu đặt ra là 100% lãnh đạo ngành Y tế, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; lãnh đạo các khoa, phòng các cơ sở y tế; nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh môi trường, nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế… nhận thức rõ trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện kiểm tra, giám sát công tác quản lý, việc thực hiện tuân thủ quy định về quản lý chất thải y tế; thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế đúng quy định. Đồng thời 100% bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế được nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành giữ gìn vệ sinh môi trường bằng việc bỏ chất thải đúng nơi quy định, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế. 80% cơ sở tuyến tỉnh và 50% cơ sở y tế tuyến huyện tuân thủ thực hiện các quy định quản lý chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp…

          Theo các chuyên gia y tế, chất thải y tế được xếp vào diện nguy hại, bởi trong chất thải y tế chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, có thể thâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau. Nước thải từ bệnh viện, rác thải y tế mang theo nhiều loại vi rút nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào các loại thuỷ sản, vật nuôi, rau thuỷ canh... Do vậy, với trách nhiệm của mình, ngành y tế nói riêng, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải y tế theo đúng quy định, đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch bệnh.