Theo thống kê của Bộ Y tế: Lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm. Tại tỉnh ta trong những năm qua chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh mang lại hiệu quả dự phòng cho những trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV.

Xem hình
 

 

    Bác sỹ Ngô Thị Hồng -  Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS - Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%. Qua nghiên cứu của WHO trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) cho thấy 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Điều này có nghĩa,cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm.

    Tuy nhiên,nếu điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đúng thời điểm, đúng phác đồ và tuân thủ đầy đủ các yếu tố trong điều trị thì tỷ lệ lây nhiễm này chỉ còn từ 2 tới 5% trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

          Tại  tỉnh Ninh Bình hiện có 99 trẻ bị nhiễm HIV do bị lây truyền HIV từ mẹ sang (con số quản lý được), trong đó có 39 trẻ đang điều trị tại tỉnh. Rất nhiều bà mẹ bị nhiễm HIV mà không biết tình trạng nhiễm của mình nên đã không được chăm sóc và điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con.

     Quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra theo các con đường sau:

          1. Lây truyền qua nhau (rau) thai khi người mẹ mang thai.

          Nhau thai có cấu tạo hết sức đặc biệt, nó giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể…từ cơ thể mẹ sang thai nhi để nuôi dưỡng bào thai và ngăn không cho vi khuẩn, virut xâm nhập gây hại đến thai nhi. Tuy nhiên, khi bánh nhau bị nhiễm khuẩn hoặc bề dày của nó giảm đi vào nửa sau thai kỳ sẽ tạo điều kiện cho virut dễ dàng đi vào cơ thể bé.

Tình trạng virut HIV từ máu của mẹ sang thai nhi qua nhau thai có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.

          2. Lây truyền khi sinh con.

Virut HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo xâm nhập vào thai nhi qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc lớp da bị sây sát của trẻ trong thời gian chuyển dạ khi sinh, lúc này trẻ phải tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo của mẹ hoặc sự trao đổi giữa mẹ và thai nhi khi chuyển dạ.

         3. Lây truyền trong quá trình cho con bú.

     Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này virut HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn. Do vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.

     Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết mình có bị nhiễm HIV hay không và nếu bị nhiễm HIV sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con

    Đối với phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần lưu ý:

    - Đến cơ sở Y tế để được tư vấn và xét nghiệm theo chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn và biết tình hình bệnh đang giai đoạn nào để quyết định sinh con hay không.

    - Nếu thai nhi chưa nhiễm HIV thì cần có kiến thức để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng và tiếp nhận phác đồ điều trị dự phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

    - Tuân thủ đúng phác đồ điều trị: vì nếu uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thứ 14 kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm xuống chỉ còn 2 - 5% .

    Các loại xét nghiệm để xác định trẻ có bị nhiễm HIV hay không:

 

 
     Một là: Xét nghiệm tìm kháng thể trong máu: đối với tất cả trẻ em sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV đều có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi đẻ. Kết quả dương tính này có thể do kháng thể của mẹ truyền sang hoặc có thể do trẻ đã bị nhiễm HIV trong bào thai. Do vậy xét nghiệm tìm kháng thể chỉ có giá trị khi trẻ hơn 18 tháng tuổi có nghĩa là nếu kết quả xét nghiệm dương tính trong thời gian này thì chắc chắn rằng trẻ đã bị nhiễm HIV.

 

 

 
     Hai là: Xét nghiệm phát hiện vi-rút: là xét nghiệm phát hiện trực tiếp vi-rút trong máu của trẻ, xét nghiệm này  được làm khi trẻ được từ 4 tới 6 tuần tuổi, xét nghiệm này chỉ tiến hành tại các trung tâm lớn.

 

 

    Tại Ninh Bình: Mọi người dân có thể tìm đến các Trạm Y tế xã phường, Bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được tư vấn và tiếp cận tới các dịch vụ cần thiết về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

     Địa điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Ninh Bình (bao gồm: tư vấn xét nghiệm tự nguyện, cấp thuốc ARV dự phòng, quản lý và chăm sóc sau sinh cho mẹ và trẻ….): Khoa sản BV Sản nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, Phòng khám ngoại trú trung tâm y tế huyện Kim Sơn...

    Có thể khẳng định, những bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đặc biệt, nhằm tuyên truyền cho các bà mẹ mang thai phòng, chống lây truyền mẹ con, hằng năm, Bộ Y tế có những tháng phát động nhằm phòng, chống lây truyền HIV mẹ sang con. Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hằng năm được triển khai từ ngày 1-6 đến 30-6, tập trung vào các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ như: cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và con; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến ít nhất sáu tháng tuổi; giới thiệu chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm trên tới các dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS./.

 

Tác giả: Nguyễn Minh