Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, từ đó đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, và phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.
Xem hình
Tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS tại Kim Sơn.

Thực hiện Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp với sự tham gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân, đặc biệt là qua tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các cấp, các doanh nghiệp. Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, như tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, tờ gấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng… góp phần phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về phòng tránh HIV được nâng lên rõ rệt. Tính đến tháng 7/2017, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức 30 buổi tuyên truyền với khoảng 13.000 lượt người dự nghe. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc truyền thông thay đổi hành vi, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, chương trình can thiệp giảm tác hại (trao đổi bơm kim tiêm, phân phát bao cao su miễn phí và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone); chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS…

          Đặc biệt, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh,... đã chuyển tải kịp thời các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; phổ biến kiến thức dự phòng lây nhiễm và giới thiệu các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, thể thao cũng tích cực hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền với những hình thức đa dạng, phù hợp thực tế địa phương, giúp người dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ đó huy động người dân phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Qua thời gian, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có những mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền kiến thức về phòng chống HIV/AIDS.

          Cùng với việc phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, việc cung cấp thông tin về HIV/AIDS bằng các hình thức khác cũng được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chú trọng như tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm có sự tham gia của người nhiễm HIV trên địa bàn. Hoạt động truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV từng bước cũng đã phát huy hiệu quả thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, đồng đẳng viên…những đối tượng như người sử dụng ma túy, phụ nữ bán dâm, người có quan hệ đồng tính… được trao đổi bơm kim tiêm, cung cấp bao cao su, được tư vấn kiến thức về HIV/AIDS và được giới thiệu đến các dịch vụ y tế thân thiện để chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cộng đồng.

          Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là hoạt động tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế, vận động các đối tượng nghiện chất dạng thuốc phiện tham gia chương trình điều trị Methadone nhằm góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.